Hủ tiếu ở chợ nổi Cái Răng

Giờ đang là tháng 9 - cũng là thời điểm hút khách du lịch ghé thăm miền Tây để trải nghiệm chợ nổi, vườn trái cây, hòa mình vào đời sống sông nước... Về miền Tây, đừng quên ghé thăm chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) để thưởng thức món hủ tiếu - đặc sản gây thương nhớ cho bao người.

Hủ tiếu ở chợ nổi Cái Răng, tỉnh Cần Thơ. Ảnh: Peregrinational.

Hủ tiếu ở chợ nổi Cái Răng, tỉnh Cần Thơ. Ảnh: Peregrinational.

“Con 2 tô hủ tiếu nghe Bảy!”, bà Bảy gật đầu rồi thoăn thoắt cho hủ tiếu vào bát, thêm vài quả trứng cút, chút giá đỗ, mấy miếng sườn, củ cải trắng, rau gia vị... rồi chan nước dùng, không quên rắc lên chút hành khô phi giòn. Bát hủ tiếu đầy đặn, thơm nhẹ, ngọt thanh mùi nước dùng quện rau mùi, lá hẹ và chút cay nồng của tương ớt, hấp dẫn vô cùng.

Không chỉ những du khách người Việt, nhiều vị khách nước ngoài khi thưởng thức hủ tiếu cứ gật đầu xuýt xoa. Họ vừa ăn, vừa nhìn bà Bảy làm hủ tiếu. Trên chiếc thuyền đong đưa theo dòng nước nhưng bà làm mọi việc cứ gọn gàng, nhanh nhẹn vô cùng. Bát hủ tiếu đầy ăm ắp trao tận tay du khách không sóng sánh chút nào.

Ở chợ nổi Cái Răng, ngoài những chiếc thuyền chất đầy hoa quả, nông sản là những người bán hủ tiếu, cà phê như bà Bảy. Hủ tiếu như một đặc sản ở chợ nổi, một điểm cộng gây thương nhớ du khách khi đến với miền Tây.

Chả thế mà một lần, có ông đầu bếp người Hàn Quốc ghé thăm chợ nổi, sau khi thưởng thức tô hủ tiếu cứ nằng nặc đòi theo bà chủ về nhà để học bí quyết. Rồi có vị khách người Anh thốt lên rằng, đây là một trong những món ăn tuyệt vời nhất mà ông từng được thưởng thức khi đến Việt Nam.

Theo lời bà Bảy, để có bát hủ tiếu ngon, thì không thể bỏ qua sợi hủ tiếu. Người ta vẫn bảo, ở nơi “gạo trắng nước trong” này để sản xuất ra những sợi hủ tiếu dai, giòn, thơm ngon không quá khó khăn. Chỉ tính riêng quận Ninh Kiều đã có khá nhiều lò hủ tiếu. Trong đó, ngay gần chợ nổi Cái Răng có những gia đình làm sợi hủ tiếu mấy đời nay như nhà Chín Cửu, Sáu Hoài... Mỗi nhà lại có một bí quyết riêng để làm ra những sợi hủ tiếu giai dòn, thơm ngon.

Cùng với sợi hủ tiếu thì nước dùng cũng làm nên thành công của món ẩm thực này. Bà Bảy bảo rằng, đó là nước xương ninh nhừ, thêm vị ngọt của bắp, củ cải, chút mắm, chút đường... rất miền Tây. “Nồi nước dùng này tôi vẫn tự hào khi nói với thực khách là nó thơm và ngọt đến giọt cuối cùng. Và phải là người miền Tây với những bí quyết riêng mới làm ra được” - bà Bảy nói.

Chợ nổi Cái Răng giờ ít khách hơn xưa, nên nồi nước dùng của bà Bảy cũng vơi hơn trước. Hoạt động giao thương không còn nhộn nhịp, nhiều thương hồ phải lên bờ để mưu sinh, lượng ghe xuồng vì thế cũng ít đi. Bà bảo, nếu chợ xưa tấp nập 10 phần thì giờ chỉ còn 3 - 4 phần. Chỉ mong chính quyền địa phương có giải pháp giữ lại chợ nổi, chứ miền Tây mà vắng chợ nổi thì còn gì là bản sắc.

Và nếu bạn về miền Tây, nếu không có điều kiện đi chợ nổi Cái Răng, thưởng thức hủ tiếu trên thuyền thì cũng có thể ghé vào một quán hủ tiếu nào đó ở quận Ninh Kiều như hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Gõ, hủ tiếu Ngọc Lan... Chỉ khoảng 40.000 - 50.000 đồng là có thể thưởng thức một tô hủ tiếu rất “chất”. Tùy từng hàng với cách chế biến mà các “topping” ăn kèm khác như là sườn, thịt, trứng cút, gan heo hay tôm bóc nõn... Nhưng cái vị của miền Tây thì không lẫn vào đâu được.

V.Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hu-tieu-o-cho-noi-cai-rang-10290623.html