Hứa hẹn cuộc sống mới cho người dân lòng hồ Krông Pách thượng
Đây là điều mà cả người dân vùng lòng hồ, chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk đều mong mỏi trong suốt 12 năm qua.
Ngày 12/3, người dân các thôn 9, 10 và 11 xã Cư San, huyện M’Đrăk, tỉnh Đắk Lắk, nơi triển khai dự án thủy lợi 4.400 tỷ Krông Pách thượng, bắt đầu về nơi ở mới. Đây là điều mà cả người dân vùng lòng hồ, chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk đều mong mỏi trong suốt 12 năm qua.
Vượt qua những bất cập, cả những tắc trách, dự án đã bước đầu tháo được nút thắt khó nhất là giải phóng mặt bằng. Đây là bước quan trọng để công trình thủy lợi nghìn tỷ sớm hoàn thành, góp phần giải bài toán nguồn nước, tưới xanh cho những buôn làng trù phú, cũng là ý nghĩa lớn nhất của một trong những đại thủy nông được Chính phủ, Quốc hội phê duyệt triển khai ở Tây Nguyên.
Mới sớm tinh mơ, cả gia đình 6 người nhà ông Liều Văn Sùng, thôn 9, xã Cư San, huyện M’Đrắk đã thức dậy, bắt đầu dọn dẹp đồ đạc để chuẩn bị dời nhà sang khu tái định cư ở cách đó hơn 30km, thuộc xã Cư Elang, huyện Ea Kar. Sau hơn 20 năm sinh sống ở đây, ông Sùng có phần quyến luyến nơi này nhưng cũng rất vui vẻ dời đi. Bởi khu tái định cư đã được nhà nước bố trí rất bài bản với 1000m2 đất ở và 1ha đất sản xuất, nằm ngay cạnh hồ thủy lợi, kênh dẫn đến tận nơi, nguồn nước dồi dào. Nơi ở mới còn nằm ở gần trung tâm xã, điện, đường, trường, trạm đều được đầu tư bài bản, hứa hẹn giúp gia đình ông Sùng có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
“Mình nghĩ là trước sau cũng phải đi, càng đi sớm càng tốt để có cuộc sống mới. Chứ còn ở chỗ cũ thì rất khổ, không muốn làm gì cả, nắng thì bụi, mưa thì lầy lội quá, so với khu tái định cư thì khu tái định cư dễ sống hơn”, ông Sùng cho biết.
Để hỗ trợ người dân di dời, cả hai huyện M’Đrăk và Ea Kar đều cắt cử lực lượng hàng trăm người, bao gồm dân quân tự vệ, cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên đến giúp dân. Xe tải chở đồ đạc, nhà cửa giúp dân cũng luôn sẵn sàng, không khí rộn ràng, vui như ngày hội. Tham gia tháo dỡ và di dời nhà, anh Y Ten Niê, Bí thư đoàn thanh niên thị trấn M’Đrăk, huyện M’Đrắk, cho biết, các bạn đoàn viên thanh niên đã phân chia nhiệm vụ, để đảm bảo tinh thần và sức khỏe cho đợt giúp dân dài ngày.
“Việc giúp di dời người dân hôm nay rất khẩn trương. Đoàn viên thanh niên và các đơn vị phối hợp rất tích cực hỗ trợ người dân để họ sớm ổn định cuộc sống. Phân chia theo nhóm, hôm nay nhóm này và hôm sau nhóm khác vào tiếp tục hỗ trợ sẽ đảm bảo sức khỏe cho anh em và lúc nào cũng sẵn sàng làm nhiệm vụ”, anh Y Ten Niê cho biết.
Đồng thời với nơi đi, tại nơi đến là khu tái định cư số 1, xã Cư Elang, huyện Ea Kar, các lực lượng cũng sẵn sàng để hỗ trợ dân dựng nhà, ổn định cuộc sống. Ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cư Elang cho biết, tại khu tái định cư của xã đã sẵn sàng để 230 hộ dân, 1.150 nhân khẩu vùng lòng hồ Krông Pách thượng đến sinh sống. Tại đây, mọi điều kiện thiết yếu như nước sạch, nước sản xuất, điện, đường, trường, trạm, đất ở và đất sản xuất đều đã được đầu tư, bố trí bài bản. Chính quyền xã cũng sẽ nỗ lực hết mình để người dân nhanh chóng hòa nhập với nơi ở mới.
“Địa phương cũng đã xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp với các phòng ban của huyện, chúng tôi đã chuẩn bị lực lượng cũng như các tổ trực để tiếp đón bà con. Đảm bảo ổn định sớm nhất về đời sống. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để dựng nhà cửa cho bà con, làm sao 1-2 ngày là ổn định. Các cháu đi học thì chúng tôi cam kết chỉ trong 2 ngày".
Tham gia công tác chỉ đạo giúp dân di dời đến khu tái định cư, ông Nguyễn Đình Thìn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk cho biết, có hơn 700 hộ dân vùng lòng hồ Krông Pách thượng thuộc diện di dời để phục vụ dự án. Sau 12 năm, đến nay đã thực hiện được việc di dời dân để giải phóng mặt bằng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, việc di dời được toàn bộ số hộ dân là khối lượng rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền từ xã tới tỉnh, đặc biệt là cần sự thấu hiểu, đồng thuận của người dân:
“Cũng phải nói rằng, ở đây cần phải có sự quyết tâm của người dân. Về mặt lực lượng thì chúng tôi đảm bảo rằng nếu người dân tích cực, việc di chuyển có thể hoàn thành trước 30/4, chậm nhất là 30/6. Tuy nhiên, tôi cũng khẳng định người dân là yếu tố quyết định. Người dân đồng thuận cao nữa, tự giác hỗ trợ, người đi trước hỗ trợ người đi sau, xóm giềng giúp đỡ lẫn nhau thì nhiệm vụ sẽ sớm hoàn thành", ông Thìn cho biết.
Như vậy, sau 12 năm mòn mỏi chờ đợi, người dân ở vùng lòng hồ Krông Pách thượng đã bắt đầu được di dời đến khu tái định cư và hứa hẹn về một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Dự án đã từng trì trệ, thậm chí có thời điểm rơi vào bế tắc. Ngay thời điểm tháng 9/2020, vẫn còn những tranh cãi nảy lửa, các bên liên quan vẫn đổ lỗi cho nhau về sự chậm trễ. Nhưng vượt qua tất cả, với sự vào cuộc quyết liệt từ Bộ NN&PTNT và tỉnh Đắk Lắk cùng hệ thống chính trị ở cấp xã, huyện và đặc biệt là sự thay đổi nhận thức của người dân, dự án thủy lợi nghìn tỷ này đang từng bước tháo gỡ những nút thắt. Nếu thuận lợi, dự án có thể hoàn thành và đưa vào vận hành theo như kế hoạch mà Chính phủ, Quốc hội đã điều chỉnh là năm cuối 2021./.