Hua Trai chủ động phòng, chống thiên tai

Là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Mường La, địa bàn rộng, phức tạp, chia cắt mạnh, Hua Trai có 4 bản vùng cao và 6 bản vùng thấp nằm dọc tuyến sông Đà. Hàng năm, vào mùa mưa lũ, nhiều khu vực bị lũ quét, sạt lở, kèm theo đá lăn, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Do vậy, xã luôn chủ động các phương án phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Người dân xã Hua Trai, huyện Mường La xếp kè rọ thép chắn lũ chống xói mòn, sạt lở.

Người dân xã Hua Trai, huyện Mường La xếp kè rọ thép chắn lũ chống xói mòn, sạt lở.

Hằng năm, xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo. Tại các bản, thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai từ 15-20 thành viên. Tiến hành khảo sát, nắm tình hình các khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở cao để xây dựng phương án phòng, chống thiên tai. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện các quy định phòng, chống thiên tai; không ở các khu vực lán trại ven sông, suối hoặc khu sản xuất; huy động nhân dân tham gia đắp bờ, xây kè chắn lũ, sửa chữa các công trình thủy lợi, mương phai; chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm trong mùa mưa lũ...

Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn xã xảy ra nhiều đợt mưa lớn, gió lốc, làm thiệt hại 24 ha lúa ruộng, ngô; 700m tuyến đường liên bản Ỏ đến bản Lè bị hư hỏng; vùi lấp hơn 300m tuyến mương nội đồng; 3 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Thiệt hại do mưa lũ đã giảm mạnh so với thời gian trước.

Ông Tòng Văn Kiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Hua Trai, cho biết: Trên địa bàn xã còn 2 điểm dân cư tại bản Po (13 hộ dân) và điểm dân cư Huổi Nạ (23 hộ dân) thuộc bản Long Bong nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Cuối năm 2021, xã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng Dự án bố trí, sắp xếp cho 23 hộ dân điểm dân cư Huổi Nạ di chuyển ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao, với tổng kinh phí đầu tư 18,7 tỷ đồng, thi công trong giai đoạn 2022-2024. Trong đó, Dự án sẽ đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng thiết yếu, gồm: San nền nhà, xây dựng hệ thống đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, đảm bảo điều kiện để người dân yên tâm sinh sống, phát triển sản xuất. Từ đầu năm đến nay, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, xã đã mua 100 kè rọ thép và huy động 300 người dân xếp rọ thép đá kè chắn lũ tại khu vực đường Huổi Pục.

Tuyến đường Huổi Pục nằm dọc dòng suối Nặm Trai là tuyến giao thông duy nhất vào 4 bản: Lọng Bong, Nặm Hồng, Lè, Đông Khít và cũng là tuyến giao thông mà người dân xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái và xã Khoen On, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu thường xuyên đi lại. Ông Quàng Văn Hoa, Bí thư, Trưởng bản Lè, cho biết: Vào mùa mưa lũ hàng năm, đoạn giao thông Huổi Pù thường xuyên bị xói mòn, sạt lở, nhất là khu ranh giới khe cạn giữa bản Ỏ và bản Lè bị cát vùi lấp, chia cắt mạnh. Năm nay, được xã hỗ trợ mua rọ thép chắn lũ, bà con rất phấn khởi và góp công xếp rọ thép, đồng thời mong muốn các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông Huổi Pục kiên cố để việc đi lại thuận tiện, yên tâm lao động sản xuất.

Anh Quàng Văn Sáy, bản Ỏ, cho biết: Do mưa lũ giữa tháng 6 vừa qua đã kéo theo khối lượng đất đá lớn tràn về vùi lấp 100m mương thủy lợi của bản Ỏ và bản Phiêng Lời. Không thể sử dụng sức người, bà con 2 bản đã thống nhất thuê máy xúc về khơi thông tuyến mương nội đồng. 2 bản đã xây tuyến mương dài 2km bằng bê tông kiên cố, đậy nắp đảm bảo nước tưới và tiêu thoát lũ.

Chủ động trước diễn biến của thời tiết, bám sát tình hình tại các khu dân cư, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, xã Hua Trai phấn đấu hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ đối với đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hua-trai-chu-dong-phong-chong-thien-tai-52154