Hứa Vĩ Văn: Tôi không chỉ là diễn viên 'soái ca'
Sinh ngày 25-12-1979 tại Chợ Lớn, TP HCM, diễn viên Hứa Vĩ Văn được biết đến là nam người mẫu, ca sĩ, diễn viên
Hứa Vĩ Văn luôn nhìn về phía trước, nỗ lực hết mình làm mới trong diễn xuất, phá bỏ cái nhìn định kiến về phong cách của một diễn viên được mệnh danh là "soái ca".
. Phóng viên: Một triệu vé chỉ trong hơn 10 ngày và theo số liệu của Box Office Việt Nam - một đơn vị thống kê độc lập thì bộ phim "Tiệc trăng máu" đã đạt doanh thu 100 tỉ đồng. Là diễn viên của bộ phim này, anh có suy nghĩ gì?
- HỨA VĨ VĂN: Đó là tín hiệu vui của ê-kíp thực hiện phim. Ngay sau 2 đợt phòng chống đại dịch Covid-19, doanh thu "khủng" chứng tỏ sự thành công của một kịch bản được remake - Việt hóa từ kịch bản gốc đình đám của điện ảnh Ý "Perfect Strangers". "Tiệc trăng máu" là phiên bản chuyển thể thứ 19 trên thế giới. So với phiên bản Hàn Quốc thì ở phiên bản phim Việt rất gần gũi, hài hước nên càng hấp dẫn khán giả Việt. Công lớn thuộc về đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, người từng làm nhiều phim doanh thu khủng như: "Những nụ hôn rực rỡ", "Nụ hôn thần chết", "Mỹ nhân kế"… Anh tạo được tiết tấu phim sinh động, được kể theo cái duyên rất riêng.
. Duyên cớ nào đưa anh đến với phim "Tiệc trăng máu"? Anh đã gặp áp lực gì?
- Năm ngoái, khi em trai tôi mất, anh Trinh Hoan ở Hãng phim HK Film đã đến viếng và mở lời mời. Tôi cũng không biết đó là dự án của phim "Tiệc trăng máu". Đây không phải lần đầu tiên tôi đóng phim remake, tôi đã từng tham gia phim "Em là bà nội của anh" - phim điện ảnh remake đầu tiên ở Việt Nam. Đã có nhiều nhà sản xuất mời tôi tham gia phim remake nhưng tôi đều từ chối vì cảm thấy kịch bản chuyển thể không có sự sáng tạo và đầu tư, ngoài việc dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Riêng "Tiệc trăng máu" và "Em là bà nội của anh" không phải tác phẩm chuyển ngữ, mà đưa vào đó văn hóa, lối sống, tinh thần của con người Việt Nam, bộ phim còn gửi gắm nhiều ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
. Là diễn viên duy nhất phải đi casting vai này, anh có cảm thấy tự ái?
- Trái lại tôi rất thoải mái, tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy tôi làm được. Sau này qua những cuộc trò chuyện, tôi mới biết anh Dũng hoài nghi việc tôi sẽ lặp lại hình ảnh của những phim tôi từng đóng. Tôi đã gạt bỏ đi vẻ bề ngoài trước công chúng để thuyết phục rằng những vai diễn tuổi trung niên đã bắt đầu hợp với tôi rồi. Không còn là "soái ca" quen thuộc.
. Yếu tố quyết định thành công của bộ phim "Tiệc trăng máu" là kịch bản. Theo anh, phải chăng đây là khâu then chốt?
- Theo tôi, chính vì câu chuyện mang tầm phổ quát, có tính toàn cầu nên dễ dàng tạo ra những phiên bản khác nhau. Trong đời mỗi cá nhân đều có một bề ngoài ai cũng nhìn thấy, nhưng còn một cuộc sống riêng khác với những mối quan hệ bí mật. Và trong thời đại phát triển, chiếc điện thoại thông minh là bạn đồng hành và cũng sẽ là kẻ tố cáo tiềm ẩn khi con người cố tình che giấu những điều khuất tất ảnh hưởng đến gia đình, tình bạn. Như tựa của phim hàm chứa nhiều suy gẫm, "trăng máu" đóng lại rồi mở ra cũng là lúc nhiều sự thật về tình yêu, tình bạn, hôn nhân và gia đình được nhìn thấy. Mỗi chúng ta phải biết vun vén để giữ hạnh phúc và nhân cách trước vô số những bí ẩn của "trăng máu" đến đúng chu kỳ nó sẽ lộ ra. Kịch bản là khâu quyết định, chúng tôi có thời gian hơn một tháng sống cùng nhau, tập dượt và thoại nhuần nhuyễn, gần như sống với đúng nhân vật chứ không phải là con người thật của diễn viên. Từ đó, thẩm thấu kịch bản, trao đổi, tranh luận để tạo nên những tương tác trong mọi tình huống. Trong phim xung đột kịch của 7 nhân vật làm nên bức tranh mà người vẽ là đạo diễn. Tôi thích cách chuyển trạng thái của từng nhân vật để từ cái cười thích thú sang vẽ bồn chồn, lo lắng theo diễn tiến giật mình của người xem. Khán giả có khoảng trống để lắp vào đó dự đoán rồi thon thót khi nhận ra mình trong phim.
. Năm 2020 có thể coi là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp diễn xuất của Hứa Vĩ Văn khi anh đảm nhận vai Quang phim "Tiệc trăng máu" và phim sắp ra rạp "Trái tim quái vật", anh diễn vai ông Bé - người đàn ông 60 tuổi với tính cách quái gở, ngoại hình khiếm khuyết. Vậy anh quyết định thay đổi phong cách "soái ca" của mình từ năm nay?
- Tôi nhận rất nhiều định kiến rằng mình là người mẫu đóng phim, ca sĩ đóng phim, một "bình hoa di động" chỉ đóng được vai "soái ca"… Tôi đã phải ngưng tham gia đóng phim một thời gian cũng vì những định kiến này. Tôi thích khám phá nhiều lát cắt thú vị và gai góc. Vai diễn trong phim "Trái tim quái vật" là một món quà từ nhà sản xuất Nguyễn Quang Huy dành tặng tôi. Tôi không nghĩ mình sẽ được đóng vai 60 tuổi. Tôi rất "thèm" được hóa thân vào những nhân vật như vậy. Vai diễn trong phim mới này là một áp lực, như một lời thách đố với tôi. Mỗi ngày tôi hóa trang 3 - 4 giờ, tập tướng đi dị tật, rồi cách diễn phải hoàn toàn đúng chất một gã người đàn ông lớn tuổi quái gở với những suy nghĩ kỳ quặc, biến thái, thậm chí bệnh hoạn. Tôi chờ nghe những bình luận của khán giả về nhân vật mới của mình.
. Nhìn lại quãng đường đi qua, anh hài lòng hay còn nuối tiếc điều gì?
- Khi còn nhỏ, tôi tham gia sinh hoạt Nhà văn hóa thiếu nhi và bộc lộ năng khiếu từ đó. Năm 16 tuổi, đoạt giải nhất trong cuộc thi Nam sinh Thanh lịch của Trường THPT Bùi Thị Xuân. Vào thời điểm này, tôi tham gia câu lạc bộ người mẫu "Hoa Học Đường" tại Nhà Văn hóa Thanh Niên. Và năm 2000, tôi đoạt giải nhất cuộc thi "Thời trang xuân" do Nhà Văn hóa Thanh Niên tổ chức. Những giải thưởng đó đã khuyến khích tôi theo học Trường ĐH Mỹ thuật TP HCM năm 2002, đây cũng là thời điểm tôi bắt đầu gia nhập làng giải trí vì đoạt giải ba cuộc thi Tuyển chọn Diễn viên Điện ảnh do Hội Điện ảnh TP HCM tổ chức. Ai cũng tưởng tôi sẽ nổi tiếng bên lĩnh vực âm nhạc vì tháng 3-2004, tôi phát hành album đầu tiên do chính tôi biên tập và thực hiện. Và sau khi gia nhập nhóm nhạc GMC của Công ty Nhạc Xanh, tôi thực hiện thêm nhiều album nữa nhưng quả thật tôi không thành công lắm. Sau đó, tôi có vai diễn đầu tiên trong phim truyền hình "Cây huê xà".
. Sau phim "Cây huê xà", anh đóng nhiều vai nhỏ trong các phim như: "Lời thề Đất Mũi", "Người đẹp Yasan", "Ảo ảnh", "Chuyện tình yêu", "Công ty thời trang", "Nợ đời", "Ghen", "Tình yêu pha lê"… Nhìn lại những vai diễn nhỏ anh có suy nghĩ gì về hành trang nghệ thuật của mình?
- Đó là những bước đi đầu tiên đáng nhớ. Từng vai diễn mang lại cho tôi nhiều bài học quý. Năm 2011, tôi chính thức được mời đóng vai chính trong phim viễn tưởng tình cảm "Anh chàng vượt thời gian", sau đó đóng vai nam chính trong phim "Lời thú nhận của Eva". Nhân vật Trần Nguyên của tôi đã tạo được sự chú ý, và bộ phim cũng thu hút được truyền thông và khán giả. Trong thời gian phim này trình chiếu, tôi đã nhận tiếp vai chính phim "Gieo gió". Đây là những kỷ niệm khó quên của tôi trong nghiệp diễn viên, tôi đã nỗ lực để xây dựng những nấc thang đi lên, đã cố gắng hết sức để leo đến đỉnh cao.
Tôi mang ơn cha mẹ, bạn bè đồng nghiệp và trên hết là công chúng yêu mến quá trình lao động nghệ thuật của tôi. Với tôi, đây là những điểm tựa quý báu để mình tiếp tục vươn tới những hoài bão mới.