Huân chương Chiến thắng - phần thưởng đắt giá nhất thế giới
Huân chương Chiến thắng là một trong những huân chương cao quý nhất ở Nga, là niềm danh dự và tự hào của những người tham gia quân đội. Bởi vậy, tấm huân chương này có giá trị vô cùng lớn, trở thành một trong những mẫu vật hiếm nhất trên thế giới, hiện chỉ còn 22 tấm huy chương được lưu giữ.
“Không lùi một bước!”
Huân chương Chiến thắng thực sự là một phần thưởng đắt nhất trên thế giới với ước tính hơn 20 triệu USD. “Người vinh dự được trao tặng Huân chương Chiến thắng là các tướng quân và nguyên soái có đóng góp lớn trong việc tạo ra sự thay đổi trên chiến trường, giúp Hồng quân Liên Xô trở nên mạnh mẽ”. Vậy tại sao huân chương này lại đặc biệt cần thiết với quân đội vào thời điểm đó?
Quyết định tạo ra Huân chương Chiến thắng bắt đầu từ chiến thắng đầu tiên của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đó là trận Stalingard, diễn ra từ tháng 7-1942 đến tháng 2-1943.
Năm 1942 là giai đoạn vô cùng khó khăn với Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc. Hồng quân đã chịu tổn thất nặng nề trong cuộc tấn công của Đức quốc xã ở miền Nam nước Nga. Để thiết lập kỷ cương trong hàng ngũ, Joseph Stalin đã ban hành Sắc lệnh số 227 ngày 28-7-1942 với khẩu hiệu “Không lùi một bước!” và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của Liên Xô. Sắc lệnh yêu cầu thành lập các tiểu đoàn kỷ luật thép và phái lực lượng này đến những khu vực nguy hiểm nhất của chiến trường. Binh lính trong biên chế các tiểu đoàn này đều là những người trước đây cố gắng đào ngũ nhưng bất thành.
Tuy nhiên, Stalin biết rõ rằng, để trấn an tinh thần của binh lính, răn đe không phải là biện pháp duy nhất. Đối với các sĩ quan đầy tham vọng, cần có đòn bẩy tích cực để họ chứng minh năng lực của mình. Vì vậy, vào năm 1942-1943, Staline khởi xướng ra một loạt huân chương để tặng cho các chỉ huy quân sự. Huân chương mang tên những bộ não quân sự vĩ đại của Nga, như: Alexander Suvorov, Mikhail Kutuzov, hay các Đô đốc Feodor Ushakov và Pavel Nakhimov.
Huân chương Chiến thắng được xem là niềm tự hào nhất vào thời điểm đó. Tháng 7-1943, trong khi trận chiến Kursk đang diễn ra khốc liệt thì những bản phác thảo đầu tiên của Huân chương Chiến thắng đã ra đời và được gửi đến Stalin.
Tuy nhiên, Stalin không thích các bản phác thảo này. Do đó, tháng 10-1943, Stalin đã yêu cầu đưa hình ảnh Tháp Spasskaya (Tháp đồng hồ) ở Điện Kremlin lên tấm huân chương. Ngày 5-11-1943, Stalin phê duyệt bản thiết kế cuối cùng. Ông thích mẫu thử nghiệm này đến nỗi giữ khư khư nó bên mình. Ba ngày sau, huân chương chính thức ra mắt và bắt đầu được sản xuất.
Người thiết kế Huân chương Chiến thắng là họa sĩ Alexandre Kouznetsov (1894-1975), người từng được trao tặng “Huân chương chiến tranh yêu nước”. Theo nhà thiết kế, huân chương được làm bằng kim cương và hồng ngọc và do các chuyên gia của Nhà máy Trang sức và Đồng hồ Moscow sẽ trực tiếp thực hiện.
Ban đầu, nhà máy nhận được đơn đặt hàng 30 chiếc. Mỗi huân chương cần 180 viên kim cương, 50 viên hồng ngọc và 300 gram bạch kim. Tổng cộng, nhà máy cần tới 5.400 viên kim cương, 1.500 viên hồng ngọc và 9 kg bạch kim. Tuy nhiên, sau đó, các nhà chế tạo quyết định thay hồng ngọc tự nhiên bằng hồng ngọc nhân tạo, bởi lẽ màu sắc của những viên hồng ngọc tự nhiên khiến tấm huân chương chưa đạt đến độ thẩm mỹ cao.
Huân chương được làm thủ công và có tổng cộng 22 Huân chương Chiến thắng được làm, trong đó 3 chiếc chưa từng sử dụng. Mỗi Huân chương Chiến thắng đều được làm bằng bạch kim, trên đó chữ "Chiến thắng" được đúc bằng vàng. Mỗi huân chương được gắn 174 viên kim cương (tổng 16 carat) và 5 viên hồng ngọc nhân tạo (tổng 25 carat). Các chi tiết như tháp đồng hồ, lăng mộ, nhánh gỗ sồi và nguyệt quế được làm bằng bạch kim dát vàng. Những chi tiết cố định như ốc vít và đai ốc được làm bằng bạc. Tổng cộng, một huân chương có trọng lượng khoảng 78 gram. Điểm độc đáo nhất của chiếc huân chương “có một không hai” này là chúng không có số serie. Cho dù một số huân chương khác được sản xuất số lượng ít hơn nhưng chúng không thể cạnh tranh với Huân chương Chiến thắng về mặt giá trị.
Những huân chương này giờ ở đâu?
Huân chương Chiến thắng lần đầu tiên được trao vào ngày 10-4-1944, cho 3 người, gồm: Nguyên soái Georgi Zhukov (1896-1974), Alexander Vasilevsky (1895-1977) và Tổng tư lệnh Joseph Stalin. Cả ba đều được vinh danh với công lao giúp giải phóng bờ hữu sông Dnieper ở Ukraine. Năm 1945, ba chỉ huy này lần thứ hai nhận được huân chương này.
Tổng cộng, có 20 Huân chương Chiến thắng đã được trao cho 17 người, trong đó có 3 người được nhận 2 lần. Ngoài ra, có 1 người được truy tặng huân chương. Đó là Tướng Ivan Tcherniakhovski (1907-1945). Nhẽ ra, Tướng Ivan Tcherniakhovski sẽ nhận huân chương vào ngày 23-2-1945, nhưng ông đã hy sinh ngày vào 18-2 cùng năm, do đó ông không được "phong tước hiệp sĩ".
Đáng chú ý, Huân chương Chiến thắng từng được trao cho 5 người nước ngoài. Nguyên soái người Anh Bernard Montgomery và Tướng Mỹ Dwight Eisenhower nhận huân chương này vào ngày 5-6-1945 "vì những thành công phi thường của họ khi chỉ huy chiến dịch quân sự quy mô lớn, góp phần làm nên chiến thắng của đồng minh trước phát xít Đức. Ngoài ra, Huân chương Chiến thắng còn được trao cho Nhà vua Michael I của Rumania, Nguyên soái người Ba Lan Michał Rola-ymierski và Nguyên soái Nam Tư Josip Broz Tito.
Người cuối cùng được trao tặng Huân chương Chiến thắng là Nhà vua Michael I của Rumania, người đã mất năm 2017. Khi đó, dư luận đồn rằng, tấm huân chương này được Nhà vua cất giữ tại Versoix, một thị trấn nhỏ ở Genève, Thụy Sĩ. Nhưng cũng thông tin khác cho rằng, vào những năm 80 của thế kỷ XIX, Nhà vua đã bán huân chương quý báu này với giá 4 triệu USD.
Hiện nay, các bảo tàng của Điện Kremlin ở thủ đô Moscow là nơi lưu giữ nhiều Huân chương Chiến thắng nhất, với 8 tấm huân chương. Một trong số đó từng thuộc về Nguyên soái Semion Tymoshenko (1895-1970). Ngoài ra, Bảo tàng Quỹ Kim loại và Đá quý quốc gia Liên bang Nga (Gokhran) còn lưu giữ 1 huân chương chưa từng được trao cho ai. Trong khi đó, Bảo tàng Nhà nước Hermecca ở Saint Petersburg đang lưu giữ 1 Huân chương Chiến thắng không có chủ. Thêm vào đó, Huân chương Chiến thắng trao cho Nguyên soái người Ba Lan Michał Rola-ymierski đang bị thất lạc và không ai biết số phận của nó đang ở đâu.
AN HÒA (theo Russia Beyond)