Huân chương quý nhất

Bố là bộ đội 'gộc' đến nỗi bố ra quân lâu lắm rồi, chuyển ngành rồi được điều động công tác ở Tây Nguyên làm cán bộ vẫn không từ bỏ được những thói quen nhà lính.

Hôm bố có việc sang trường tìm mẹ vào thứ hai, bố đang bon bon xe đạp vào trường thì nghe nhạc trống báo chào cờ cùng giọng hô nghiêm của thầy hiệu trưởng, bố vội vàng xuống xe, không kịp dựng cả chân chống, cứ để xe ngã quay ra đấy để đứng nghiêm mà chào cờ, mặc học sinh trường mẹ tròn mắt quay ra xem rồi ôm bụng cười ngặt nghẽo.

Ngày còn bé, câu mà đám bạn cùng xóm hay hỏi tôi nhất là sao bố mày bị cụt ở ngón tay vậy, tôi thường vênh mặt đáp, bố tao là thương binh, bố tao đi chiến đấu với quân giặc nên bị thương đấy. Để chứng minh cho câu nói của mình, tôi sẽ dắt đám bạn rồng rắn về nhà để khoe các bằng khen, giấy khen của bố. Tôi sẽ đánh vần một cách rõ ràng và tự hào nhất cho đám bạn nghe nào là huân chương kháng chiến hạng ba, huân chương chiến công hạng nhì, để chúng bạn xuýt xoa tán thưởng.

Minh họa: ĐỖ HUYỀN

Minh họa: ĐỖ HUYỀN

Rồi để thêm phần long trọng và khí thế, tôi sẽ lén lút suỵt chúng bạn im lặng, mặc dầu nhà chẳng có ai ngoài chúng tôi, đi nhẹ vào phòng bố mẹ lục tìm một hồi khá lâu cho lũ bạn thấy sự quan trọng của món đồ danh giá. Đấy, huân chương, huy chương của bố luôn được cất kỹ trong những cái hộp sẽ được chưng ra trong con mắt ồ à của đám bạn, tôi đành hanh không cho đứa nào được phép đụng vào mà chỉ được nhìn theo tay tôi đang cầm diễu qua. Một đứa hếch mặt hỏi, có phải bằng vàng không mà sáng chói thế, tôi ghếch mặt bảo là bằng vàng, quý lắm đấy, thế nên đứa nào cùng nghệt mặt ra ngắm. Rồi có lần mải khoe huân chương, rồi tôi để đâu đó lao vào chơi trò trốn tìm cùng chúng bạn. Phải rất lâu sau bố mới biết bị mất hết huân chương, các anh chị đồng thanh chỉ tay về phía tôi mách tội đã làm mất, vậy mà bố chỉ thở dài chứ chẳng hề trách phạt lấy một câu.

Có lẽ hình ảnh bố là bộ đội không hiện hữu trong tôi nhiều, bởi tôi chỉ nhớ tới bố là bộ đội khi những ngày truyền thống mới thấy bố diện bộ quân phục là thẳng nếp mẹ cất sâu trong góc tủ. Những tấm huy chương còn lại, bố cẩn thận đeo nơi ngực trái cứ phải cân chỉnh xê dịch mãi mới có thể đúng được ý bố. Còn những ngày còn lại, bố chỉ là bố, bố sẽ gồng tay lên cho năm anh chị em đánh đu tòng teng trên người bố, bố sẽ kê bàn ra ngoài sân để uống nước và khề khà kể chuyện Lục Vân Tiên, Tống Trân-Cúc Hoa, trời mưa thì luộc bắp, luộc khoai rồi trùm chăn lại để nghe bố kể chuyện rừng núi Việt Bắc, không thì bố sẽ ngâm Kiều bằng cái giọng khê nồng ấm áp, ngẫm lại có lẽ cả bầu trời tuổi thơ của chúng tôi là bố.

Vậy mà lớn lên, đứa nào cũng viện cớ là nói chuyện không hợp, viện cớ học hành, bạn bè bận rộn mà trốn biệt thời gian với bố. Mà nếu có thời gian, cũng chỉ nói được vài câu với bố rồi đám con lo lủi cho nhanh vì ánh mắt khó chịu của bố dành cho mái tóc nhuộm, cái quần tuột trễ hay những bài nhạc hợp thời của đám con thể nào cũng gây nên tranh cãi. Đám con thì thầm nhỏ to kêu bố là “ông già khốt ta bít”, chê bố cổ lỗ sĩ không thể hiểu được thời đại mới, cái khoảng cách bố con thành khoảng cách hai thế hệ bỗng có từ lúc nào không hay.

Và năm nay, lại như mọi năm, bố tần ngần đứng nơi góc tủ để vuốt ve bộ quân phục của mình. Tôi lẳng lặng lại gần giúp bố cài những tấm huy chương lên chiếc áo xanh, những tấm huy chương mà giờ đây tôi mới có cơ hội nhìn kỹ thấy những dòng chữ nhỏ khắc vào để ghi nhớ. Tôi giật mình hỏi bố, bố có giận con vì đã đánh mất tấm huân chương quan trọng nhất không? Bố xoa đầu như ngày tôi còn bé, cười, giận gì, cái huân chương quan trọng nhất là độc lập tự do để các con vui sống vẫn còn đây mà…

Tản văn của LÊ THỊ KIM SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/huan-chuong-quy-nhat-616115