Huấn luyện cấp cứu bằng trực thăng đầu tiên tại TP.HCM

Dịch vụ cấp cứu đường không tại Bệnh viện 175 trước mắt phục vụ cho bệnh nhân là các chiến sĩ làm việc tại đảo Trường Sa, mục tiêu xa hơn là việc cấp cứu bệnh nhân ở khu vực Đông và Tây Nam bộ.

Chiều và tối 30-12, Công ty bay trực thăng miền Nam, Tổng công ty bay trực thăng Việt Nam, Binh đoàn 18 (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Bệnh viện (BV) Quân y 175 thực hiện các chuyến bay diễn tập cấp cứu bệnh nhân bằng máy bay tại sân đỗ trực thăng trên nóc tòa nhà Viện chấn thương Chỉnh hình của BV Quân y 175.

Trực thăng mang số hiệu EC-225 của Công ty bay trực thăng miền Nam đã thực hiện 14 chuyến bay cả ngày và đêm, hoàn thành kế hoạch mục tiêu bay huấn luyện đề ra. Máy bay được điều khiển bởi đội ngũ phi công đã có nhiều kinh nghiệm bay trên biển, trên giàn khoan và phải có ít nhất trên 3.000 giờ bay.

Sân bay trực thăng trên nóc tòa nhà Viện Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: BVCC

Sân bay trực thăng trên nóc tòa nhà Viện Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: BVCC

Thiếu tá Vũ Duy Hiền, Công ty trực thăng miền Nam, binh đoàn 18, cho biết để thực hiện nhiệm vụ cấp cứu đường không này, trước đây Công ty bay trực thăng miền Nam và Bệnh viện 175 đã có sự phối hợp thường xuyên.

Theo đó, các tổ cấp cứu y tế đường không sẽ được thực hiện huấn luyện nhằm phục vụ các ca cấp cứu từ vùng xa của TP.HCM. Ngoài phục vụ vận chuyển cấp cứu các chiến sĩ và người dân gặp tai nạn ở các nơi đảo xa, vùng khó tiếp cận, sân bay cấp cứu trực thăng của BV Quân y 175 sẽ là điểm phát triển cấp cứu nhanh, hướng đến mô hình trung tâm cấp cứu đa năng đường bộ - đường thủy - đường không.

Một tình huống giả định được đặt ra trong đợt huấn luyện. Ảnh: BVCC

Một tình huống giả định được đặt ra trong đợt huấn luyện. Ảnh: BVCC

Đại tá Lê Đức Long, Giám đốc Công ty bay trực thăng miền Nam, Binh đoàn 18 cho biết thêm, tại Việt Nam, việc cấp cứu bằng đường bộ, đường thủy còn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của bệnh nhân. Chính vì vậy, cấp cứu đường không ra đời đòi hỏi chúng ta phải tổ chức chu đáo. Dù là chuyến bay ngày hay bay đêm thì yếu tố an toàn cũng luôn được đặt lên hàng đầu.

Những phi công trong tổ bay cấp cứu từng có kinh nghiệm bay trên biển, trên giàn khoan, nhằm đáp ứng việc hạ cánh trên bãi đáp là nóc nhà của Bệnh viện vốn có đặc điểm là cao và nhỏ.

Lãnh đạo UBND TP.HCM và các đơn vị chúc mừng, động viên các tổ bay ban ngày hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ảnh: BVCC

Lãnh đạo UBND TP.HCM và các đơn vị chúc mừng, động viên các tổ bay ban ngày hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ảnh: BVCC

Trước đây, trực thăng cấp cứu phải đưa các bệnh nhân nặng về hạ cánh tại Sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó xe cứu thương chuyển tiếp bệnh nhân về bệnh viện và ngược lại gây mất nhiều thời gian, ít nhiều ảnh hưởng kết quả điều trị.

Dịch vụ cấp cứu đường không tại BV 175 trước mắt phục vụ các ca cấp cứu phục vụ cho bệnh nhân là các chiến sĩ làm việc tại đảo Trường Sa, mục tiêu xa hơn là việc cấp cứu bệnh nhân ở khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.

HOÀNG LAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/huan-luyen-cap-cuu-bang-truc-thang-dau-tien-tai-tphcm-1036660.html