Huawei: 5GtoB và 5G-A sẽ giúp nhà mạng Việt Nam tăng trưởng doanh thu
Huawei sẵn sàng hỗ trợ 5.5G cho nhà mạng tại Việt Nam bằng cách cung cấp giải pháp đầu - cuối về mạng không dây, mạng cố định, bộ lưu trữ AI và dịch vụ thông minh.
Ngày 17/4, tại Hội nghị NextGen Connectivity Summit 2025 do Huawei Việt Nam tổ chức, các chuyên gia đã chia sẻ về giải pháp 5G giúp doanh nghiệp viễn thông tăng trưởng doanh thu.
Ông Macky Zhang, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Huawei Việt Nam cho biết, tốc độ phát triển nhanh chóng của 5G đã tạo ra nền tảng mới cho sự kết nối toàn diện giữa con người, thiết bị và dữ liệu. Nhất là đối với các ứng dụng cho ngành công nghiệp vốn đòi hỏi cao hơn về hiệu năng, độ trễ, độ tin cậy và bảo mật.
Với công nghệ mạng vượt trội và hệ sinh thái sẵn sàng, 5G-A (5G Advanced) sẽ trở thành nền tảng chính cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn vật (IoT) và công nghiệp thông minh trong 10 năm tới.
Còn 5GtoB giúp các nhà mạng mở rộng thị trường kinh doanh B2B, giúp doanh nghiệp tăng năng suất, giảm chi phí và tạo ra mô hình kinh doanh mới.
Trên thế giới đã có 64% nhà mạng triển khai mạng riêng 5G (Private 5G); doanh thu mạng riêng tăng nhanh chóng, đặc biệt là Trung Quốc đạt trên 8 tỷ USD nhờ giải pháp cho doanh nghiệp 5GtoB.
Các lĩnh vực ứng dụng 5GtoB năng động nhất hiện nay là: Sản xuất thông minh, logistics, giao thông, dầu khí, y tế, thành phố thông minh.

Ông Macky Zhang – Tổng giám đốc Huawei Việt Nam phát biểu mở màn tại sự kiện.
Việt Nam đang sở hữu vị thế thuận lợi để tiến nhanh vào giai đoạn triển khai 5G-A và 5GtoB. Thêm nữa, 66,9% vốn FDI đổ vào lĩnh vực công nghiệp đang cần chuyển đổi số cấp bách.
Huawei cho biết, các hạn chế về hiệu suất, độ trễ và chi phí hiện nay buộc nhà mạng phải chuyển đổi sang 5G-A (5G Advanced) để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dùng cũng như doanh nghiệp, tổ chức ở nhiều lĩnh vực và cả khối chính phủ. Đáp ứng xu thế đó, đội ngũ Huawei Việt Nam đã giới thiệu Mạng Campus 10 Gbps chất lượng cao, mang đến nền tảng kết nối thông minh sẵn sàng phục vụ cho các tổ chức và doanh nghiệp trong ít nhất 5 năm tới.
Trọng tâm của hệ thống là ưu tiên trải nghiệm của người dùng trong các kịch bản ứng dụng từ văn phòng mở, lớp học thông minh đến R&D, y tế". Huawei cho biết đã tích hợp AI để xử lý sự cố mạng vào trung tâm của hệ thống vận hành và bảo trì (O&M), có thể tự nhận biết, phân tích và ghi nhớ các loại lỗi từng xảy ra. Theo công ty, 80% sự cố không dây có thể được giải quyết tự động trong vài phút, giúp nâng hiệu quả O&M lên 10 lần. Một kỹ sư có thể quản lý mạng với hơn 10.000 người dùng, điều trước đó gần như bất khả thi.
Theo Huawei, chiến lược 5.5G và AI sẽ giúp các nhà mạng viễn thông chuyển mình từ nhà cung cấp hạ tầng sang nhà cung cấp trải nghiệm thông minh. "Hành trình tiến tới Mobile AI sẽ không chỉ dẫn đầu về tốc độ, mà còn phải đơn giản hóa, thông minh và bền vững", đại diện công ty cho biết tại sự kiện.
Để không bỏ lỡ cơ hội, việc phối hợp giữa nhà mạng, chính phủ, doanh nghiệp và đối tác công nghệ là yếu tố sống còn.Nhà mạng còn có thể tăng doanh thu với mô hình kinh doanh dịch vụ cho thuê mạng riêng (như mạng riêng ảo trên nền tảng mạng công cộng 5G), dịch vụ hợp tác chia sẻ doanh thu giữa nhà mạng và đối tác ngành. Các mô hình dịch vụ được tùy biến linh hoạt theo quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn và lâu đời.
Tháng 6/2022, liên minh gồm Huawei, China Mobile và một số công ty Trung Quốc công bố mạng nâng cao 5G Advanced, hay 5.5G. 5G-A được 3GPP, tổ chức thiết lập tiêu chuẩn truyền thông toàn cầu, đại diện cho khoảng 700 công ty trong đó có Apple, Google và Huawei, phê duyệt.
Công nghệ 5.5G đạt tốc độ tải xuống 10 Gb/giây, tải lên 1 Gb/giây, phục vụ cho các dịch vụ mới như XR và 3D không cần kính. 5.5G hỗ trợ 100 tỷ kết nối, nhiều gấp 10 lần 5G. Về trải nghiệm, công nghệ mới rút ngắn độ trễ từ 20 ms của 5G giai đoạn đầu xuống 1 ms, hỗ trợ định vị ở cấp độ centimet thay vì cấp độ mét.
Từ năm 2023, một số nhà mạng trên thế giới bắt đầu thử nghiệm 5.5G như Trung Quốc, Phần Lan, Đức.