Huawei có vượt qua các đòn 'chí mạng' của Mỹ?
Bộ Tài chính Mỹ vừa đưa hãng thiết bị viễn thông Huawei vào danh sách đen vì nghi ngờ tham gia các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Động thái có thể là ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của hãng này.
Hôm 16-5, Cục An ninh và công nghiệp (BIS) thuộc Bộ Tài chính Mỹ thông báo sẽ đưa Huawei và 70 công ty liên kết của hãng vào một danh sách đen và điều này đồng nghĩa với việc các công ty Mỹ phải xin phép BIS và nhận được sự cho phép, mới có thể bán linh kiện và công nghệ cho Huawei.
Tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ cho biết: “Một giấy phép có thể bị từ chối nếu việc bán hay chuyển giao đó gây tổn hại an ninh quốc gia Mỹ hoặc các lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ”.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross, nhấn mạnh mục đích của BIS là nhằm ngăn ngừa các công ty nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ để gây tổn hại an ninh quốc gia nước này.
Giám đốc Tài chính toàn cầu của Huawei, Mạnh Vãn Chu, đang bị quản thúc tại Canada, đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ để xét xử về các tội danh lách các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran. Tổng thống Donald Trump vừa ký sắc lệnh dọn đường cho việc cấm nhập khẩu thiết bị Huawei và giờ đây công ty này sẽ cần nhận được sự đồng ý của Washington mới có thể mua linh kiện từ các công ty Mỹ như hãng chip Qualcomm.
Liệu hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới có vượt qua được đòn đánh chí mạng này của Mỹ? Nhà phân tích Edison Lee ở công ty ngân hàng đầu tư Jefferies cho rằng việc Bộ Tài chính Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen có khả năng gây khốn đốn cho Trung Quốc ở ba điểm: (1) làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Huawei; (2) trì hoãn kế hoạch triển khai mạng 5G khắp toàn cầu của Trung Quốc; (3) gây cản trở cho cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung vào phút chót.
Về điểm đầu tiên, tiền lệ của hãng thiết bị viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc, ZTE, là điềm báo xấu cho Huawei. Khi Mỹ áp đặt lệnh cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho ZTE vào tháng 4-2018, các lô hàng xuất khẩu smartphone của hãng này giảm mạnh khoảng 75%, dẫn đến khoản lỗ 7,8 tỉ nhân dân tệ (1,1 tỉ đô la Mỹ) vào nửa cuối năm ngoái.
Với mức doanh thu năm ngoái là 105 tỉ đô la, Huawei lớn hơn ZTE rất nhiều và cũng tập trung nhiều hơn vào thiết bị hạ tầng viễn thông và smartphone cao cấp. Điều này có nghĩa là tác động của một lệnh cấm xuất khẩu linh kiện cho Huawei, nếu được Mỹ áp đặt, sẽ rất nghiêm trọng, theo nhận định của các nhà phân tích từ ngân hàng Credit Suisse trong một bản báo cáo vào cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, Huawei đang sở hữu công ty bán dẫn khổng lồ HiSilicon ở Thâm Quyến, do vậy, ít có khả năng hãng này rơi vào tình thế ngưng sản xuất do lệnh cấm vận linh kiện của Mỹ giống như đã từng xảy ra với ZTE trong nhiều tháng hồi năm ngoái.
Song Huawei có thể sẽ cần phải tìm nhà cung ứng khác để mua các linh kiện quan trọng đối với các sản phẩm 4G cao cấp chẳng hạn như chip tần số vô tuyến (RF). Hiện nay, Huawei chủ yếu mua chip tần số vô tuyến từ hai hãng bán dẫn của Mỹ, Qorvo và Skyworks. Mark Li, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Bernstein, cho biết số lượng các nhà cung ứng thay thế rất ít.
Các chip được cung cấp bởi Intel và các chip FDGA, loại chip có thể được lập trình được sau khi nhà sản xuất cung cấp chúng, rất quan trọng đối với các sản phẩm thiết bị mạng lưới của Huawei - cũng có thể bị thắt chặt nguồn cung. Hiện nay, công ty công nghệ Xilinx, có trụ sở bang California, là nhà cung cấp chính chip FDGA cho Huawei.
Các nhà phân tích cho biết Huawei cũng có thể gặp rắc rối nếu tiếp tục sử dụng bản quyền sáng chế màn hình OLED của Universal Display (Mỹ) cũng như bản quyền sáng chế di động từ Qualcomm và các bản quyền của Google ở hệ điều hành Android đang được cài cho smarphone của Huawei.
Huawei đã nhiều năm chuẩn bị cho nguy cơ bị Mỹ cấm vận linh kiện, do vậy, sẽ chống đỡ lệnh cấm này tốt hơn so với ZTE. Huawei đã có nhiều bước đi hướng đến việc tích hợp chuỗi cung ứng theo chiều dọc (vertical integration), tức sắp xếp để chuỗi cung ứng của một công ty thuộc sở hữu của công ty đó. Công ty bán dẫn HiSilicon của Huawei thiết kế các con chip dù chủ yếu vẫn gia công sản xuất từ công ty bán dẫn TSMC (Đài Loan). Danh sách 70 nhà cung cấp lớn của Huawei chủ yếu có trụ sở tại Trung Quốc.
Nhà phân tích Edison Lee tiết lộ Huawei đã bắt đầu tăng cường nâng cao lượng hàng dự trữ vào đầu năm nay sau khi bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ ở Canada. Ban đầu, Huawei nhắm đến mục tiêu tích trữ hàng tồn kho đủ sử dụng 6-9 tháng nhưng sau đó tăng lên 1-2 năm.
Ngoài trừ các linh kiện quan trọng như chip FPGA và chip RF, một số linh kiện khác từ chuỗi cung ứng có thể mang lại cho Huawei nhiều sự lựa chọn thay thế hơn.
Huawei mua các linh kiện này từ hãng công nghệ Micron (Mỹ) nhưng có thể thay thế nhà cung ứng Micron bằng hãng bán dẫn SK Hynix (Hàn Quốc).
Huawei đang mua các cảm biến theo dõi chuyển động từ công ty Invensense (Mỹ) nhưng có thể tìm nguồn cung thay thế từ các nhà cung cấp cảm biến ở châu Âu.
Mark Li, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Bernstein, lưu ý khi Huawei đang phát triển nhanh với mức doanh thu dự báo khoảng 120 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, nhu cầu linh kiện của hãng này ngày càng tăng. Điều này có nghĩa là sự phụ thuộc của Huawei vào linh kiện bên ngoài sẽ rất lớn.
Để phục vụ cho nhiều dự án triển khai 5G trên thế giới và đi kèm theo đó là nhu cầu linh liện tăng mạnh, Huawei giờ đây phải mua linh kiện hoặc xin cấp phép sử dụng bản quyền công nghệ từ các hãng chip của Mỹ như Intel, Qualcomm và Qorvo. Các nhà phân tích cho rằng các nhà cung ứng thay thế ở Hàn Quốc và Nhật Bản có thể gặp phải các hạn chế về công suất.
Một lệnh cấm vận linh kiện đối với Huawei, nếu xảy ra, có thể “hủy diệt Huawei", Scott Kennedy, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cảnh báo.
Chánh Tài