Huawei quá lớn để bị đánh bại?

Việc chính phủ Mỹ cấm các công ty công nghệ nước này giao dịch với Huawei khiến họ bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, thiệt hại lớn về tài chính.

Huawei là công ty đa quốc gia về thiết bị mạng và viễn thông, có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Hiện tại, hãng được coi là nhà cung cấp công nghệ 5G số một thế giới.

Đầu tháng 5, Nhà Trắng đã cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông từ gã khổng lồ Trung Quốc này với lý do lo ngại rủi ro đối với an ninh quốc gia. Chính phủ Mỹ đồng thời cũng cấm các công ty Mỹ bán công nghệ cho Huawei.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm dịu quan hệ Mỹ - Trung sau cuộc họp với người đồng cấp Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Nhật Bản. Ông Trump cho biết sẽ bàn thêm về việc cho phép các công ty Mỹ tiếp tục bán thiết bị cho Huawei.

Ông Trump phát biểu tại G20. Ảnh: SCMP.

Ông Trump phát biểu tại G20. Ảnh: SCMP.

“Công ty trị giá 110 tỷ USD có mối liên kết chặt chẽ với các chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng toàn cầu này thật sự quá lớn để có thể sụp đổ bởi một biến cố như vậy”, Paul Triolo, Trưởng phòng phân tích chính sách công nghệ toàn cầu của Eurasia phát biểu.

Nước đi mềm mỏng từ Mỹ phản ánh tầm quan trọng của Huawei đối với các nhà khai thác viễn thông toàn cầu nói chung và các công ty Mỹ nói riêng. Đây là lần thứ hai ông Trump giảm bớt áp lực cho một hãng công nghệ Trung Quốc. Hồi tháng 7/2018, ông Trump cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm ZTE mua các linh kiện từ Mỹ.

Tác động của Huawei tới hạ tầng 5G và mạng không dây

Hai tỷ USD là số tiền Huawei đầu tư để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm 5G. Họ đã ký 50 hợp đồng thương mại trải khắp 30 quốc gia cho riêng công nghệ tân tiến này.

Mỹ muốn đẩy Huawei ra khỏi cuộc chơi đầy tiềm năng vì lo ngại thiết bị của công ty này có thể bị các bên tình báo Trung Quốc lợi dụng để do thám những quốc gia khác. Mặc cho Huawei liên tục bác bỏ nhận định trên, chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục kêu gọi các đồng minh quay lưng với công ty này.

Thế nhưng bài toán đặt ra là rất khó để các công ty đang sử dụng Huawei chuyển sang nhà cung cấp thiết bị khác.

Các thiết bị mạng của Huawei có giá rẻ hơn nhiều so với sản phẩm từ đối thủ. Ảnh: Reuters.

Các thiết bị mạng của Huawei có giá rẻ hơn nhiều so với sản phẩm từ đối thủ. Ảnh: Reuters.

Huawei đã xây dựng cơ sở hạ tầng cho mạng 4G cho rất nhiều nhà mạng không dây lớn của Châu Âu và các nơi khác trên thế giới. Điều đó tạo thuận lợi để các quốc gia đó chuyển sang 5G nhanh chóng và rẻ hơn. Hiệp hội Thông tin di động thế giới GSMA cho biết tổn thất mà các nhà mạng phải chịu nếu không sử dụng thiết bị Huawei ở Châu Âu lên tới 62 tỷ USD, đồng thời làm trì hoãn việc triển khai 5G khoảng 18 tháng.

Thiếu vắng Huawei tạo nên một khoảng trống trên thị trường và khó có thể được lấp đầy nhanh chóng. Việc tìm một đối tác với những hợp đồng giá tốt như Huawei là việc không dễ dàng. Thậm chí, công nghệ 5G sẽ không phát triển được tiếp chỉ vì chi phí đầu tư quá đắt đỏ.

Tại Mỹ, sản phẩm của Huawei với giá cả chỉ bằng 40% so với các công ty khác, chiếm được niềm tin một thị phần nhỏ các nhà mạng. Thế nhưng, chỉ cần các bên này phải chuyển đổi thiết bị khác thì tổn thất tính nhanh đã tới 1 tỷ USD.

Hiện tại, một số công ty bắt đầu tìm cho mình những giải pháp thay thế Huawei hoặc hoãn binh chờ đợi. Nokia đã có những động thái lấp vào thị phần Huawei. Hãng này đã có hơn 42 hợp đồng thương mại 5G, bao gồm 25 tại Châu Âu từ đầu tháng 6. Tuy nhiên, Nokia cũng cho rằng chính các khách hàng của họ rất phân vân khi lựa chọn đối tác.

Các công ty Mỹ thật sự cần Huawei?

Huawei đã trở thành một đối tác lâu của các công ty Mỹ. Họ đã mua 11 tỷ USD hàng hóa Mỹ năm 2018, chẳng hạn như chip từ Intel, Micron và phần mềm từ Google.

Bất chấp lệnh cấm, nhiều công ty Mỹ đã sớm quay trở lại giao dịch với Huawei. Ảnh: Fortune.

Bất chấp lệnh cấm, nhiều công ty Mỹ đã sớm quay trở lại giao dịch với Huawei. Ảnh: Fortune.

Trước khi gặp biến cố trên, Huawei là khách hàng số một của Micron và chiếm 13% doanh thu nửa đầu năm tài chính 2019 của hãng này. Cho tới tuần vừa qua, Micron và Intel được cho là đã kinh doanh trở lại với công ty Trung Quốc này, bất chấp lệnh cấm vận của chính phủ Mỹ. Microsoft cũng bán trở lại máy tính xách tay của Huawei trên gian hàng trực tuyến của mình.

Các công ty của Mỹ đã bày tỏ lo ngại về việc mất nhà cung ứng nước ngoài nếu họ không thể hợp tác với Huawei. Nếu không bán được sản phẩm cho Trung Quốc, các đối tác khác sẽ nghĩ sản phẩm của Mỹ không đủ uy tín để có thể hợp tác lâu dài.

Rõ ràng, việc cấm các công ty Mỹ giao dịch với Huawei đã đẩy các hãng công nghệ Mỹ ở tình thế tiến thoái lưỡng nan, gây ra thiệt hại lớn về tài chính cho Mỹ.

Tuấn Anh Nguyễn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/huawei-qua-lon-de-bi-danh-bai-post961800.html