Huawei sau 5 tháng bị cấm vận
Sau 5 tháng chính quyền của ông Donald Trump đưa Huawei vào danh sách đen, kết quả kinh doanh của công ty Trung Quốc vẫn có dấu hiệu tăng trưởng.
Vào tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei và hàng loạt chi nhánh vào "danh sách đen" trong nỗ lực ngăn chặn các công ty Mỹ bán linh kiện cho hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc. Trước đó, Mỹ nhiều lần cáo buộc Huawei là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, nhưng công ty này luôn phủ nhận.
5 tháng sau lệnh cấm vận, dường như những tác động từ phía Mỹ vẫn chưa ảnh hưởng tới Huawei. Kết quả kinh doanh công ty này vừa công bố tuần qua cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực. Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó mảng smartphone tăng trưởng 26%.
Những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn Huawei phát triển công nghệ 5G cũng không đạt hiệu quả. Huawei cho biết họ đã ký hơn 60 hợp đồng thương mại hóa 5G với nhiều quốc gia. Ngày 14/10, chính quyền Đức thông qua báo cáo an ninh về xây dựng mạng 5G, và không loại bỏ Huawei trong danh sách cung cấp thiết bị như sức ép từ Mỹ.
Công ty Mỹ bối rối, lo ngại vì giảm doanh thu
Khi một công ty bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ, các đối tác muốn bán thiết bị cho họ phải có giấy phép từ chính phủ. Yêu cầu này đã gây khó cho nhiều đối tác Mỹ của Huawei.
Trong nhiều cuộc họp kín với quan chức thương mại lẫn phát biểu công khai, các lãnh đạo ngành công nghệ tranh luận rằng việc đưa Huawei, một trong những khách hàng lớn nhất của họ, vào danh sách đen gây bất lợi cho các doanh nghiệp Mỹ.
CEO của Micron, ông Sanjay Mehrotra cho biết sự thiếu rõ ràng về cấp phép sẽ khiến tình hình kinh doanh trong các quý tới tệ hơn. Tháng trước, công ty này đưa ra dự báo lợi nhuận thấp, chỉ rõ một phần nguyên do là không thể bán hàng cho Huawei.
Trước đó, Broadcom cũng cắt giảm dự báo doanh thu hàng năm, với lý do chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc làm gián đoạn mối quan hệ với Huawei.
Nhiều nhà lãnh đạo công nghệ bối rối về mục tiêu cuối cùng của chính quyền Mỹ khi cấm Huawei, và cũng không rõ khi nào mới được cấp giấy phép.
Vào tháng 6, sau khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Osaka, tổng thống Mỹ cho biết sẽ cho phép các công ty tiếp tục xuất khẩu sang Huawei. Vài tuần sau, ông Trump lại nói sẽ tăng tốc quá trình phê duyệt giấy phép, nhưng cho đến nay vẫn chưa có giấy phép nào được cấp.
Theo nguồn tin nội bộ, gần đây ông Trump đã bật đèn xanh để phê duyệt giấy phép trong cuộc họp với các cố vấn của mình, nhưng vẫn chưa có thông báo nào được đưa ra.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ nhận hơn 200 yêu cầu cấp phép bán hàng cho Huawei và các chi nhánh của công ty này. Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định quá trình thẩm định phức tạp nên chưa thể cấp phép.
Không thể chờ, nhiều công ty tìm cách bán hàng cho Huawei
Một trong những luận điểm chính của giới công nghệ Mỹ là Huawei có thể mua linh kiện từ các nhà cung cấp trên khắp thế giới, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
“Nếu lệnh cấm này không thành công trong việc 'giết chết' Huawei, kết quả sẽ làm giảm thị phần toàn cầu của Mỹ trong một số lĩnh vực công nghệ. Điều này sẽ gây tổn hại, làm giảm mức độ cạnh tranh của công nghệ Mỹ ', ông Robert Atkinson, Chủ tịch của viện nghiên cứu chính sách ITIF tại Washington nhận xét.
Một số công ty đã bán hàng trở lại cho Huawei ngay cả khi chưa có kết luận về giấy phép. Sau khi xem xét kỹ hơn các quy tắc kể từ tháng 5, họ đã quyết định có thể tiếp tục cung cấp sản phẩm dựa trên luật quản lý xuất khẩu.
Theo quy định này, nếu một công ty có thể chứng minh rằng công nghệ gốc có dưới 25% xuất xứ từ Mỹ thì sản phẩm không phải tuân thủ danh sách thực thể.
Vào tháng 6, Micron cho biết họ đã tiếp tục xuất xưởng những lô hàng chip nhớ cho Huawei. Intel, nhà sản xuất chip lớn nhất của Mỹ cũng vậy. Với những nhà máy ở Ireland, Israel và Trung Quốc, Intel lập luận rằng một phần tài sản trí tuệ trong các con chip của họ không được tạo ra ở Mỹ.
“Chúng tôi biết nhiều công ty của Mỹ tiếp tục bán hàng cho Huawei bằng cách lách luật thông qua các quốc gia khác hoặc bên thứ ba. Câu hỏi đặt ra là liệu lệnh cấm của Huawei có giúp ích cho an ninh quốc gia Mỹ đủ để đánh đổi sự hỗn độn và hàng loạt vấn đề mới hay không", Samm Sacks, chuyên gia an ninh mạng tại viện nghiên cứu New America nhận xét.
James McGregor, Chủ tịch công ty tư vấn APCO Worldwide nêu quan điểm về những hậu quả có thể xảy ra từ các hành động của Nhà Trắng.
“Tôi lo lắng về việc các công ty công nghệ có xu hướng tách khỏi Mỹ bằng cách chuyển một số hoạt động của họ ra khỏi Mỹ. Họ phải đề phòng việc ảnh hưởng kinh doanh dài hạn", ông McGregor nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg.
Ông Robert Atkinson cho rằng những tín hiệu tích cực của Huawei không nói lên nhiều điều, vì họ đã dự trữ vật tư trong một thời gian. Doanh thu quý IV sẽ là một chỉ số chính xác hơn về tác động của lệnh cấm xuất khẩu.
Trước đó, Huawei dự báo lệnh hạn chế xuất khẩu sẽ làm giảm doanh thu thiết bị tiêu dùng khoảng 10 tỷ USD, chủ yếu vì Google không còn cấp phép sử dụng dịch vụ Google trên Android cho các thiết bị cầm tay mới của Huawei.
Ông Trump nhiều lần nói rằng sẵn sàng xem xét gỡ bỏ lệnh cấm đối với Huawei để có những điều khoản tốt hơn trong thỏa thuận thương mại. Sau khi Mỹ đạt được thỏa thuận “giai đoạn một” với Trung Quốc hồi đầu tháng này, câu hỏi bây giờ là liệu tổng thống Mỹ có xem xét loại bỏ Huawei khỏi danh sách đen hay không.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/huawei-sau-5-thang-bi-cam-van-post1004376.html