Huawei tiếp tục hứng đòn trừng phạt của Mỹ

Ngày 18/1, chỉ còn 2 ngày nữa là Tổng thống Donald Trump mãn nhiệm, chính quyền Mỹ gửi thông báo với một loạt nhà cung cấp cho Huawei, trong đó có nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới Intel (Mỹ) về việc thu hồi giấy phép bán hàng cho Huawei và từ chối hàng chục giấy phép nhằm cung cấp linh liện cho tập đoàn công nghệ viễn thông lớn nhất Trung Quốc này.

Đòn đánh cuối cùng của ông Trump

Đây được xem là hành động mới nhất và cuối cùng trong nỗ lực lâu dài của chính quyền ông Trump nhằm làm suy yếu Huawei - vốn luôn bị ông Trump cho rằng là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và các lợi ích trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Trước đó, từ tháng 5/2019, chính quyền ông Trump đã đưa Huawei Technologies vào “Danh sách thực thể” (Entity List). Những cá nhân và tổ chức bị liệt vào danh sách này là vì được cho đã tham gia hoặc có khả năng cao tham gia vào các hoạt động gây đe dọa cho an ninh quốc gia hay các lợi ích về chính sách ngoại giao của Mỹ. Theo đó, chính quyền Mỹ cấm Huawei mua các phần cứng, phần mềm và dịch vụ từ các nhà cung cấp công nghệ của Mỹ. Tuy nhiên, một vài công ty Mỹ sau đó vẫn được bán hàng cho Huawei sau khi được cấp giấy phép, trong khi nhiều công ty vẫn đang chờ được cấp phép giao dịch.

Được biết, trước khi chính quyền Mỹ ra thông báo trên, có khoảng 150 giấy phép đang chờ phê duyệt, với tổng giá trị giao dịch khoảng 120 tỷ USD. Những đơn hàng khác, trị giá 280 tỷ USD, thậm chí còn chưa xin cấp phép. Theo quy định, sau khi nhận được thông báo trên từ chính quyền Mỹ, các công ty liên quan đến việc bị thu hồi giấy phép sẽ có 20 ngày để đưa ra thông tin phản hồi, tiếp đó là 90 ngày cho việc trao đổi để giải quyết vấn đề với Bộ Thương mại Mỹ trước khi có quyết định chính thức.

Chỉ vài ngày trước đó, Hiệp hội Công nghiệp chất bán dẫn Mỹ cũng đưa ra thông báo rằng Bộ Thương mại Mỹ có “ý định từ chối một số lượng đáng kể các yêu cầu cấp phép xuất khẩu sản phẩm cho Huawei và thu hồi ít nhất một giấy phép đã cấp trước đó”. Hành động này của Bộ Thương mại Mỹ được cho rằng sẽ bao trùm một loạt sản phẩm trong lĩnh vực chất bán dẫn.

Hiện Huawei chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.

Hiện chính quyền ông Trump còn đang gây áp lực để dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc Tài chính Huawei sang Mỹ xét xử. Bà Mạnh bị bắt tại Canada từ tháng 12/2018 và dự kiến, phiên tòa dẫn độ bà sang Mỹ sẽ diễn ra trong năm nay.

Mỹ giáng thêm đòn trừng phạt Huawei.

Mỹ giáng thêm đòn trừng phạt Huawei.

Kế sách của Tổng thống kế nhiệm Joe Biden

Trước “cú đấm bồi” mới nhất của chính quyền ông Trump vào Huawei, các nhà đầu tư không khỏi không chú ý tới cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống kế nhiệm Joe Biden với quan hệ Mỹ - Trung. Ông Biden đã từng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc cướp công nghệ của các công ty Mỹ, trợ cấp không công bằng cho các công ty nhà nước.

Truyền thông quốc tế đưa tin, chính quyền mới của ông Biden có kế hoạch mời gọi các nước đồng minh hàng đầu cho các liên minh về công nghệ, bao gồm cả việc phát triển các công nghệ viễn thông mới để giảm bớt sự phụ thuộc vào thiết bị 5G từ Huawei. Một số đề xuất khác liên quan đến việc ngăn chặn việc bán công nghệ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc, hiện do các công ty ở Mỹ, Nhật Bản và châu Âu thống trị, để cố gắng kìm chân các nhà sản xuất chất bán dẫn Trung Quốc.

Trong thời gian qua, Huawei - một trong những công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc - đã bị các cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc rằng có hành vi đặt các “cửa hậu” (backdoor) trong các thiết bị của hãng theo chỉ đạo của Chính phủ Trung Quốc. Các cửa hậu này có thể theo dõi người dùng thông qua các thiết bị của họ. Tuy nhiên, Bắc Kinh và Huawei đều phủ nhận các cáo buộc này.

Có nhiều ý kiến cho rằng, ông Biden chắc sẽ không bỏ qua nhu cầu cải thiện quan hệ từ phía Bắc Kinh. Song trong ngắn hạn, chính quyền mới khó có thể bước qua hoặc lấp đầy những mâu thuẫn sâu sắc trong mối quan hệ Mỹ - Trung hiện tại.

Hà Anh

((Theo Reuters, Fox News))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/huawei-tiep-tuc-hung-don-trung-phat-cua-my-n185513.html