Huawei trở lại
'Cựu vương' Huawei tìm cách trở lại thị trường smartphone toàn cầu sau nhiều năm hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.
Sau nhiều năm chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ, hãng tin Nikkei cho biết Huawei đang trở lại thị trường smartphone toàn cầu khi phân phối thiết bị tại khoảng 60 quốc gia, khu vực khác nhau.
Từ cuối năm 2024, biển quảng cáo smartphone gập Mate X6 được lắp đặt tại nhiều địa điểm nổi tiếng như Hong Kong, Dubai hay Kuala Lumpur.
Thiết bị được bán tại Trung Quốc đại lục và Malaysia vào tháng 12/2024, tiếp đến là Hong Kong ngày 8/1/2025 và sớm có mặt tại châu Âu. Dựa trên website Huawei, Mate X6 đang bán tại hơn 30 quốc gia, có Trung Đông và Nam Mỹ.
Tại châu Âu, Mate X6 có giá khoảng 2.050 USD, cao hơn khoảng 4% so với model tương đương từ Samsung. Thiết bị sử dụng chip Kirin mới nhất của Huawei, cải thiện hiệu năng xử lý video và kết nối mạng.
Theo Huawei, độ mượt mà khi xem video trên tàu điện ngầm, khả năng khôi phục kết nối mạng sau khi rời thang máy trên con chip đều tăng 60-80% so với bản tiền nhiệm.
Kirin là hệ thống SoC (System-on-Chip), kết hợp các thành phần như bộ xử lý, RAM… lên một bảng mạch. Công ty Trung Quốc tuyên bố chip có thể kết nối 5G tốc độ cao mà không cần dựa vào công nghệ của Mỹ.
SoC của Huawei lần đầu xuất hiện trên dòng smartphone Mate 60, ra mắt tại Trung Quốc vào tháng 8/2023, sau đó trang bị trên nhiều model khác.
Sau khi ra mắt vào tháng 4/2024, dòng Pura 70 với chip Kirin được phân phối tại khoảng 60 quốc gia và khu vực. Dù vậy, smartphone Huawei vẫn chưa có mặt tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil…
Huawei thúc đẩy phát triển chip nội bộ từ khi chịu lệnh hạn chế của Mỹ năm 2019. Các quy định khiến công ty không thể tiếp cận TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, để mua chip hiệu năng cao. Việc sử dụng hệ điều hành Android cũng bị giới hạn.
Từ năm 2021 đến nửa đầu 2023, Huawei không còn lựa chọn ngoài việc dùng chip do Qualcomm sản xuất, chỉ hỗ trợ tối đa 4G. Điều này khiến thị phần công ty trên toàn cầu sụt giảm, dù từng giữ vị trí dẫn đầu trong quý II/2020.
Một số tài liệu cho thấy đến năm 2023, lượng quốc gia và khu vực có dịch vụ sau bán hàng smartphone của Huawei giảm một nửa so với con số 105 năm 2020. Ngoài ra, tỷ lệ xuất khẩu smartphone Huawei giảm từ 30% xuống thấp hơn 10% trong cùng kỳ.
Theo Nikkei, chip Kirin được thiết kế bởi công ty con HiSilicon của Huawei, sản xuất bởi SMIC (Semiconductor Manufacturing International). Thời gian đầu, năng lực sản xuất chip khá thấp do trình độ kỹ thuật giới hạn, song mọi thứ dần cải thiện theo thời gian.
Changxiang 70X, smartphone giá rẻ được Huawei ra mắt tại Trung Quốc ngày 3/1, sử dụng chip Kirin thay vì Qualcomm. Điều này cho thấy chi phí sản xuất chip Kirin đã giảm.
Về công nghệ, Kirin có quy trình sản xuất 7 nm, kém tiên tiến hơn so với chip 3 nm trên model cao cấp từ các công ty lớn. Đối mặt khó khăn trong việc thu hẹp khoảng cách thị phần, Huawei cố gắng bù đắp bằng hệ điều hành nội bộ.
Trong tương lai, smartphone Huawei tại Trung Quốc sẽ dùng HarmonyOS Next, hệ điều hành do công ty tự phát triển. Hiện tại, thiết bị Huawei bán ở nước ngoài vẫn chạy Android, song công ty muốn thay đổi điều đó.
“Trong 6 năm qua, chúng ta trải qua nhiều khoảnh khắc đen tối, thất vọng và bối rối”, bà Mạnh Vãn Châu, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính Huawei, chia sẻ trong thông điệp cuối năm của công ty vào tháng 12/2024.
Lời chia sẻ trên có thể ám chỉ khó khăn đến từ lệnh trừng phạt của Mỹ. Dù vậy, đại diện Huawei khẳng định công ty “đã cống hiến hết mình và hiểu ý nghĩa thực sự của niềm tin”.
“Chúng tôi nhiều lần chứng kiến những điều không thể thành có thể”, Meng nhấn mạnh.
Nguồn Znews: https://znews.vn/no-luc-tro-lai-cua-huawei-post1525026.html