Huế sẽ thành kinh đô ẩm thực

Tỉnh Thừa Thiên - Huế muốn xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý về ẩm thực Huế nhằm khẳng định thương hiệu điểm đến hấp dẫn

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), khẳng định việc phát huy giá trị tinh hoa ẩm thực cung đình và dân gian Huế để thúc đẩy phát triển du lịch sáng tạo là giải pháp có tính chiến lược đối với ngành du lịch.

Chưa khai thác hết thế mạnh

Huế không chỉ biết đến là kinh đô lịch sử mà còn là mảnh đất ẩm thực bởi có khoảng 1.300 món trong số 1.700 món ẩm thực Việt Nam và hiện còn lưu truyền trong dân gian chừng 700 món. Các món ăn này được chia làm 3 loại, bao gồm: văn hóa ẩm thực dân gian, cung đình và ẩm thực chay.

Các món ăn cung đình được phục dựng tại một buổi dạ tiệc trong Đại nội Huế

Các món ăn cung đình được phục dựng tại một buổi dạ tiệc trong Đại nội Huế

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định ẩm thực Huế không chỉ là thế mạnh mà còn là tiềm năng phong phú vô tận để phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức.

Món ăn cung đình do nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà trình bày

Món ăn cung đình do nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà trình bày

"Cũng có một số hoạt động đã và đang được triển khai nhưng chúng chưa mang lại hiệu quả thực sự, chưa tạo dựng được hình ảnh. Việc thiếu các điểm và kênh cung cấp thông tin tư liệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ, nhất là ẩm thực cung đình tại các nhà hàng chưa bảo đảm tính chân xác của những tinh hoa đã được chắt lọc qua nhiều giai đoạn lịch sử" - ông Phúc nhìn nhận.

Nhằm nâng cao hình ảnh của ẩm thực Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thông qua kế hoạch truyền thông Huế - kinh đô ẩm thực Việt - sự tận hưởng kỳ thú giai đoạn 2018-2020 với kinh phí trên 12 tỉ đồng từ ngân sách và xã hội hóa. Hiện Sở Du lịch đã hoàn thành đề án và trình lên UBND tỉnh xem xét, thông qua.

Theo kế hoạch, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ xây dựng và quản lý thương hiệu các loại hình ẩm thực đặc trưng Huế; xây dựng bộ nhận diện ẩm thực Huế phù hợp với các hình thức quảng cáo khác nhau; hình thành bộ nhận diện các nhà hàng, quán ăn đạt chuẩn phục vụ du khách. Quy tụ những người có tâm, có tầm bằng chính sách phục hồi đúng chất lượng những món ăn vốn được xem là di sản về văn hóa ẩm thực Huế. Hình thành các tour du lịch thưởng thức món ăn Huế, hợp tác với các doanh nghiệp, hiệp hội, đơn vị trong việc hình thành bảo tàng hoặc trung tâm diễn giải thông tin về ẩm thực Huế kết hợp với trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực Huế…

Muốn có bảo tàng ẩm thực

Tại hội thảo khoa học quốc tế ẩm thực cung đình và dân gian Huế tổ chức vào dịp Festival Huế 2018, nhiều nhà nghiên cứu, các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý đều cho rằng Huế cần hệ thống hóa tư liệu về ẩm thực, chú trọng đào tạo đội ngũ kế cận và nên hình thành một bảo tàng.

Ông Lê Tân - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam - khẳng định các cơ quan chức năng cần phải thành lập hồ sơ đăng ký xác nhận chỉ dẫn địa lý và khẳng định vị thế của văn hóa ẩm thực Huế. Cần nhất thiết chú trọng xác lập thành công ẩm thực Huế, món ăn Huế trở thành thương hiệu kinh đô ẩm thực cấp quốc gia.

Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đưa ra phác thảo về bảo tàng ẩm thực Việt Nam là nơi lưu giữ tư liệu, sách báo, hình ảnh tiêu biểu có giá trị lịch sử ẩm thực Việt Nam qua các thời kỳ. Bảo tàng bao gồm danh mục đồ ăn thức uống trong cung đình; lưu giữ và trưng bày các đồ phục vụ trong ẩm thực, các vật liệu chế biến, quy trình làm các món ăn... Ngoài ra còn có bộ phận sản xuất một số công nghệ chế biến thức ăn tiêu biểu, trường dạy nấu ăn hay khu thực hành chế biến để phục vụ du khách.

Theo bà Huỳnh Thị Anh Vân, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, cần phải sưu tầm tài liệu để khắc họa câu chuyện của các loại gia vị và công thức chế biến một số món ăn tiêu biểu, các tác phẩm nghệ thuật thể hiện tài hoa của các đầu bếp cùng đình nhằm làm nổi bật sự kết hợp giữa màu sắc, hương vị và hình thức trang trí món ăn.

Di sản quốc gia xứng đáng vinh danh

Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định ẩm thực Huế là một di sản văn hóa phi vật thể xứng đáng được vinh danh, bảo vệ và phát huy các giá trị như một di sản quốc gia và của nhân loại. Trước hết cần triển khai xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bài và ảnh: QUANG NHẬT

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/du-lich/hue-se-thanh-kinh-do-am-thuc-20181025202626466.htm