Huế siết chặt công tác phòng dịch liên cầu lợn
Số ca mắc bệnh liên cầu lợn ở người tăng nhanh trong thời gian gần đây khiến không ít người dân thành phố Huế lo lắng, thận trọng hơn khi sử dụng thịt lợn. Nỗi lo về an toàn thực phẩm đang ảnh hưởng bất lợi trong hoạt động buôn bán tại các chợ truyền thống và hàng quán ăn uống trên địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, thành phố Huế đã ghi nhận 38 ca mắc bệnh liên cầu lợn ở người, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Đáng lưu ý, số ca mắc tăng nhanh từ đầu tháng 6 đến nay khiến nhiều người e ngại khi dùng thịt lợn.

Điều trị bệnh nhiễm khuẩn lơn cầu lợn ở bệnh viện Trung ương Huế
Tại các chợ lớn như Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu, Phú Hội, nhiều sạp bán thịt lợn rơi vào cảnh ế ẩm, vắng khách. Lượng giết mổ lợn trên toàn thành phố đã giảm hơn 80%, một số điểm bán thịt lợn chuyển sang kinh doanh các mặt hàng khác.

Phun khử khuẩn tại những khu dân cư có ca mắc liên cầu lợn
Bà Võ Thị Bích Huyền, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Đông Ba lo ngại, hơn 10 ngày gần đây, lượng khách mua thịt giảm mạnh. “Giảm 80, người dân có mua cái thịt nạc để về làm chả và xương ống về hầm lấy nước thôi, còn xương giò tất cả tất tần trật là họ không mua.”

Ban Quản lý chợ Đông Ba, thành phố Huế kiểm tra các sạp bán thịt heo trong chợ
Những ngày qua, nhiều quầy ẩm thực trên địa bàn thành phố Huế cũng thay đổi món ăn từ các món có thịt lợn sang thịt bò, gà, vịt. Nhiều quán ăn trên địa bàn thành phố Huế đã tạm ngừng phục vụ các món từ thịt lợn, chuyển sang kinh doanh bún bò, bún vịt để giữ chân khách. Một số quán bún giò heo thậm chí đã đổi biển hiệu thành quán bún bò hoặc bún vịt.
Chị Phan Thị Bích Thu, người dân ở phường Thuận Hóa, thành phố Huế e ngại: “Trên địa bàn thành phố Huế hiện tại là dịch liên cầu lợn là đang bùng phát, mặc dù cửa hàng bán thịt heo vẫn được y tế kiểm dịch nhưng mà vì tâm lý vẫn còn e ngại và lo sợ dịch nên hiện tại em vẫn chưa sử dụng thịt heo. Em chuyển sang một số loại thịt khác như chẳng hạn như thịt bò, cá tôm, mực...”.

Quầy bán thịt lợn ở chợ Bến Ngự
Ngành Thú y thành phố Huế cho biết, đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận dịch bệnh trên đàn lợn tại địa phương. Qua điều tra dịch tễ cũng chưa phát hiện ổ dịch liên cầu lợn nào liên quan nguồn cung thực phẩm. Hiện, ngành Thú y và ngành Y tế thành phố Huế đã triển khai hàng loạt biện pháp siết chặt kiểm soát từ khâu chăn nuôi đến giết mổ và tiêu thụ. Lợn nhập từ ngoài vào thành phố đều phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, lợn trong thành phố phải có hồ sơ tiêm phòng rõ ràng.
Ông Trương Công Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Huế cho biết: Các lò mổ đều có cán bộ kiểm soát túc trực, thịt không đạt yêu cầu sẽ bị loại bỏ. “Đầu vào là chúng tôi phải kiểm, đặc biệt lợn mà vào giết mỗ là phải rõ nguồn gốc, phải có chứng nhận kiểm dịch nếu như vận chuyển từ ngoại tỉnh vào và trong thành phố phải có phiếu tiêm phòng hoặc là các hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc mua bán. Gia súc giết mổ mà phải khỏe mạnh, trong quá trình giết mổ thì chúng tôi có lực lượng cán bộ kiểm soát giết mổ kiểm tra phát hiện phần thịt nào cũng đảm bảo tiêu chuẩn thì chúng tôi không đóng dấu đưa ra thị trường”.

Số ca mắc liên cầu lợn tăng cao, nhiều quầy bán thịt lợn tại các chợ rơi vào
Sở Y tế thành phố Huế đẩy mạnh công tác giám sát dịch tễ tại cộng đồng, tập huấn cho nhân viên y tế tuyến cơ sở, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân biết cách phòng tránh bệnh liên cầu lợn. Ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế thành phố Huế khuyến cáo: Người dân chỉ nên sử dụng thịt lợn đã qua kiểm dịch, không ăn tiết canh hay thịt sống. Khi có dấu hiệu bất thường sau khi ăn thịt lợn, cần đến cơ sở y tế ngay để được điều trị kịp thời.
“Bệnh nhiễm khuẩn liên cầu lợn đây là một bệnh lây truyền có thể trực tiếp qua những vết thương hở qua đường tiêu hóa hay là đường hô hấp. Người dân phải đảm bảo môi trường ăn uống xong mà vẫn đi vệ sinh sạch thì đảm bảo nguyên tắc không chỉ bệnh nhiễm khuẩn liên cầu lợn mà cho những nhiệm vụ khác. Người dân khi thấy những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh liên cầu lợn thì đến ngay cả cơ sở y tế gần để có cái chẩn đoán và điều trị thích hợp”, ông Hảo cho hay.

Thịt lợn đưa ra bán ở các chợ đều phải qua kiểm dịch
Trong lúc này, người dân được khuyến cáo không hoang mang nhưng cần thận trọng, lựa chọn thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng và chế biến kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân và gia đình.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hue-siet-chat-cong-tac-phong-dich-lien-cau-lon-post1216963.vov