Huế tháo gỡ điểm nghẽn giải ngân, giao thông và kiểm soát dịch bệnh
Tại kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố Huế khóa VIII, nhiều vấn đề nóng như ùn tắc giao thông, buôn lậu - hàng giả và dịch bệnh nguy hiểm đã được các đại biểu chất vấn, lãnh đạo các sở ngành liên quan trả lời thẳng thắn, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ trong 6 tháng cuối năm 2025.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Giám đốc Sở Tài chính La Phúc Thành cho biết, đến hết tháng 6/2025, thành phố Huế mới giải ngân được 28% tổng vốn ngân sách nhà nước, trong đó vốn đầu tư phát triển đạt 48%, cao hơn bình quân chung cả nước.

Tại kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố Huế khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026
Tuy nhiên, vốn sự nghiệp chỉ đạt 10,5%, hơn 125 tỷ đồng thuộc hai chương trình mục tiêu quốc gia là Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa được phân bổ.
Nguyên nhân chủ yếu do Trung ương giao vốn muộn, trùng thời điểm thành phố sắp xếp mô hình chính quyền địa phương hai cấp, khiến các đơn vị cấp cơ sở chưa kịp đăng ký nhu cầu.

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Huế
Ông La Phúc Thành kiến nghị các sở, ngành liên quan khẩn trương xây dựng và trình phương án phân bổ trong tháng 7/2025, đảm bảo giải ngân đạt trên 90% trước ngày 31/12 năm nay.
“Các giải pháp thì hiện nay chúng ta đã hoàn thành chính quyền hai cấp, đề nghị các xã phường tập trung rà soát lại để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua phương án này. Đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Nội vụ khẩn trương cùng với các xã, các phường, trình cấp có thẩm quyền để phân bổ ngay nguồn vốn sự nghiệp được Trung ương giao, đó là chương trình giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đặt ra”, ông Thành nói.

Ông La Phúc Thành, Giám đốc Sở Tài chính thành phố Huế
Liên quan tình trạng ùn tắc giao thông, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Anh Tuấn cho biết, hiện nay, thành phố Huế có khoảng 70.000 xe ô tô dưới 9 chỗ, với tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân gần 10% mỗi năm, trong khi 85% tuyến đường đô thị có mặt đường dưới 10m.
Cơ sở hạ tầng chưa được cải thiện tương xứng với tốc độ đô thị hóa, cùng với ý thức chấp hành luật giao thông của người dân còn hạn chế là những nguyên nhân chính gây ùn tắc, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Huế
Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Huế đề nghị: “Chúng ta tập trung vào khu vực trung tâm, lập hội đồng khoa học từng điểm một mà đánh giá lại, đường rẽ từ cầu Phú Xuân mà rẽ trái có được không? Phỏng vấn người dân xem vận hành như vậy có giảm được ách tắc hay tạo ra bức xúc xã hội.
Muốn giảm tải thì phải áp dụng phương tiện giao thông công cộng, hệ thống xe buýt trong nội đô thành phố và hệ thống xe buýt kết nối giữa trung tâm với các điểm du lịch, kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh thì cũng giảm phần ách tắc”.

Ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế thành phố Huế
Trước lo ngại của đại biểu về dịch bệnh liên cầu lợn, ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế cho biết, từ đầu năm đến ngày 16/7/2025, thành phố Huế ghi nhận 38 ca mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó 2 trường hợp đã tử vong. Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường giám sát tại cơ sở y tế, cộng đồng và giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca nghi nhiễm.
Bên cạnh đó, tuyên truyền sâu rộng đến người dân về nguy cơ lây nhiễm từ việc ăn tiết canh, thịt lợn chưa nấu chín, chủ động ngăn chặn nguồn lây bệnh từ động vật.
“Trước tình hình bệnh viêm cầu lợn như vậy thì UBND cũng đã có công văn để làm sao tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ, giải pháp về phòng chống bệnh viêm cầu lợn”, ông Hảo cho biết.