Hụi, họ, phường và những hệ lụy khôn lường
Hụi, họ, phường là một trong những hình thức huy động vốn khá phổ biến hiện nay trong nhân dân. Về bản chất, hình thức này đã giúp các thành viên cùng tham gia góp vốn có được một khoản tiền lớn để phát triển kinh tế mà không phải chịu lãi suất cao. Song do không được quản lý nên hình thức này hiện nay đã và đang bị biến tướng, khi các chủ hụi lợi dụng việc huy động vốn và lòng tin của các thành viên để chiếm đoạt tài sản .
Lực lượng công an làm việc với chủ hụi Nguyễn Thị Hạnh.
Đã gần 1 tháng nay, kể từ ngày bà Nguyễn Thị Hạnh, ở thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân tuyên bố vỡ hụi, hàng chục người dân trên địa bàn thị trấn Yên Cát vẫn túc trực ở đây với mong muốn lấy lại được số tiền đã mất. Nhưng tất cả đều vô vọng, khi mọi tài sản của gia đình bà Hạnh đã không còn nữa, đến cả ngôi nhà gia đình bà đang ở cũng đã được gán nợ, sang tên cho một người khác.
Sau bao nhiêu năm chắt chiu từng đồng lương hưu, thậm chí vận động cả con cái gửi tiền về để tham gia chơi hụi cùng bà Hạnh, giờ đây bà Vũ Thị Hiệp (61 tuổi), ở thị trấn Yên Cát đã lâm vào cảnh trắng tay. Số tiền gần 40 triệu đồng mà bà tham gia đóng hụi cho bà Hạnh gần như đã mất trắng.
Bà Hiệp cho biết: Tôi đóng hụi cho bà Hạnh từ năm 2017, mỗi tháng tham gia 3 suất/6 triệu đồng, đến nay đã đóng được trên 60 triệu đồng. Vừa mới lấy được 1 suất 24 triệu đồng thì bà Hạnh nói vỡ hụi, số tiền còn lại gần 40 triệu đồng giờ không biết lấy ở đâu
Cũng như bà Hiệp, hằng tháng anh Lê Khắc Dũng đóng hụi cho bà Hạnh 15 triệu đồng từ số tiền chắt chiu từ nghề cắt tóc và của mẹ đưa cho. Đến nay anh đã đóng được 11 tháng với số tiền hơn 160 triệu đồng. Khi đến kỳ rút thì bà Hạnh tuyên bố vỡ hụi khiến anh hết sức lo lắng và bức xúc.
Một trường hợp khác cũng lâm vào cảnh mất trắng số tiền đóng hụi là bà Phạm Thị Hạnh (75 tuổi). Tuổi cao, sức yếu, sống ở quê được con cháu gửi tiền về chi tiêu hàng tháng, nhưng không dám ăn tiêu mà gom góp đóng hụi cho bà Nguyễn Thị Hạnh. Đến khi biết tin bà Hạnh vỡ hụi, bà Phạm Thị Hạnh gần như ngã khụy.
Hàng chục người dân tập trung tại nhà bà Hạnh để mong lấy lại được tiền.
Trên đây chỉ là 3 trong số hàng trăm nạn nhân của vụ vỡ hụi trên địa bàn huyện Như Xuân. Hậu quả của vụ vỡ nợ này, không chỉ khiến những người trực tiếp tham gia lâm vào cảnh trắng tay, tiền mất tật mang, mà ngay cả chủ hụi là bà Nguyễn Thị Hạnh cũng phải khuynh gia bại sản. Bắt đầu chơi hụi và làm chủ hụi từ năm 2006, ban đầu bà Hạnh chỉ cầm một vài dây hụi, nhưng rồi vì lợi nhuận nên số người chơi cứ tăng dần lên, đến nay bà Hạnh đang cầm trên 30 dây hụi, với hàng trăm người tham gia. Nhiều người tham gia, đồng nghĩa với việc số tiền đóng hụi ngày càng lớn, đến khi không kiểm soát được dẫn đến việc vỡ hụi thì người phụ nữ này lại cho rằng, đó là do nhận thức và trình độ kém nên không quản lý hết.
Không chỉ vụ vỡ hụi của bà Nguyễn Thị Hạnh mà trên thực tế, nhiều vụ vỡ hụi khác xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã gây ra những hậu quả khôn lường, khiến dư luận hoang mang và ảnh hưởng xấu đến ANTT. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội khác, nhất là tội phạm cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trước tình hình trên, ngay sau khi xảy ra vụ vỡ hụi của bà Nguyễn Thị Hạnh, Công an huyện Như Xuân đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân, mức độ thiệt hại để phòng ngừa và ngăn chặn những hậu quả khác có thể xảy ra. Bước đầu, qua công tác điều tra xác minh, lực lượng công an đã xác định có 186 người tham gia chơi hụi của bà Hạnh mà chưa được thanh toán với tổng số tiền là 13,8 tỷ đồng.
Đại tá Lê Hải Đăng, Trưởng Công an huyện Như Xuân cho biết: Không chỉ có vụ vỡ hụi của bà Hạnh, mà trên địa bàn huyện Như Xuân đã từng xảy ra nhiều vụ vỡ hụi tương tự khác. Lực lượng công an đã tham mưu cho chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động nhân dân, thậm chí đến từng nhà người dân để vận động, ký cam kết không tham gia chơi hụi. Nhưng vì hám lời và nhẹ dạ cả tin nên người dân vẫn cứ âm thầm tham gia các đường dây hụi, họ khiến tình hình rất phức tạp. Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục điều tra, làm rõ, nhưng cũng rất khó xử lý vì đa số đây chỉ là giao dịch dân sự và không có chứng cứ pháp luật rõ ràng.
Những vụ vỡ hụi, họ xảy ra trên địa bàn tỉnh nói chung, trên địa bàn huyện Như Xuân nói riêng, thêm một lần nữa cảnh báo cho người dân, đừng ham lãi suất cao mà ôm quả đắng. Việc chơi họ, hụi, phường trên thực tế chỉ kết nối với nhau bằng “tín chấp”. Người chơi góp vốn với nhau bằng niềm tin, chứ không có tài sản bảo đảm, thậm chí trong một số trường hợp các thành viên còn không biết mặt nhau nên khi các chủ hụi tuyên bố vỡ nợ thì chỉ người chơi là phải gánh chịu mọi hậu quả. Bởi vậy, mỗi người cần phải tỉnh táo và có cách để bảo vệ tài sản của riêng mình.