Hai "cú đấm" nói trên cùng với các biện pháp trừng phạt của phương Tây vẫn đang có hiệu lực đã đẩy nền kinh tế Nga vào tình cảnh nguy cấp chưa từng có.
Theo một tuyên bố của German Gref, nền kinh tế Nga nên chuẩn bị cho kịch bản 1 USD đổi được 100 RUB, và sáng 18-3, đồng RUB của Nga đã lập một kỷ lục khác khi xuống gần 77 RUB đổi 1 USD.
Theo các chuyên gia, nếu giá dầu tiếp tục giảm, các ngành công nghiệp của Nga như sản xuất máy bay, công nghiệp quân sự... sẽ khó trụ nổi
Hiện tại ngành hàng không dân dụng Nga đang gặp phải khó khăn nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng hủy một lượng lớn các chuyến bay do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Không chỉ chịu thiệt hại lớn vì hoãn hủy chuyến, các hãng hàng không còn tiếp tục đối mặt thực tế là khi giá dầu giảm, chi phí vé máy bay sẽ tăng lên, từ đó nhu cầu của hành khách cũng sẽ giảm đáng kể.
"Một điều hoàn toàn rõ ràng là Nga không thể từ chối đồng USD và đồng EUR, vì ngày nay đây là những loại tiền tệ chính trên thế giới. Liệu sẽ có lúc 1 USD đổi được 100 RUB? Với xu hướng hiện nay, điều này là hiển nhiên", chuyên gia Nga bình luận.
Trước đó theo đánh giá của tỷ phú Leonid Fedun - đồng chủ sở hữu Lukoil, vì không đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu khí với OPEC, mỗi ngày nước Nga mất đi 100 - 150 triệu USD.
Cho dù Saudi Arabia đã muốn cắt giảm sản lượng nhưng đáng ngạc nhiên là Nga lại không chịu, chính điều này đã gây ra đổ vỡ giữa hai nước tại cuộc thảo luận của OPEC.
Nhà báo Andrey Gurkov viết trên trang Deutsche Welle hôm 13-3 rằng đây là sai lầm nghiêm trọng của ông Putin, đẩy nền kinh tế Nga rơi vào tình cảnh rất khó chống đỡ.
"Ở Nga, chỉ Tổng thống mới có quyền quyết định về giá dầu, cho nên ông ta đã làm và chọn thời điểm tồi tệ nhất để làm chuyện đó", ông Gurkov bình luận.
"Đây là thời điểm không nên để xảy ra đổ vỡ trong quan hệ với Saudi Arabia. Nhưng cuối cùng thì Nga chọn cách bỏ các đối tác trong cuộc khủng hoảng toàn thế giới vì giá dầu sụt giảm".
"Điều này đã dẫn đến việc Saudi Arabia - một trong các thành viên chủ chốt của OPEC đã phản ứng dữ dội trước quyết định của Nga và ngay lập tức đưa ra biện pháp trả đũa".
"Vương quốc Hồi giáo này tuyên bố họ sẽ tăng mạnh sản lượng dầu từ 8-3 và đem bán với giá ưu tiên cho các khách hàng đa số tại châu Âu, tức là thị trường năng lượng hết sức quan trọng với Nga", nhà báo Gurkov kết luận.
Với những diễn biến trên, nền kinh tế Nga chỉ mong có dấu hiệu khởi sắc khi dịch bệnh Covid-19 nhanh chóng hạ nhiệt kéo theo giá dầu tăng, còn nếu không nguy cơ suy thoái nặng nề trong tương lai gần có thể thấy rất rõ.
Bạch Dương