'Hừng Đông' phiên bản mới - Kịch hát dân ca xứ Nghệ
Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ sắp ra mắt công chúng vở diễn 'Hừng Đông' của tác giả PGS – Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ.
Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ sắp ra mắt công chúng vở diễn “Hừng Đông” của tác giả PGS – Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Ông đồng thời cũng là tác giả của nhiều kịch bản sân khấu được dàn dựng và công diễn thành công như: “Chuyện tình Khau Vai”; “Mai Hắc Đế”; “Hoa lửa Truông Bồn”…
Vở diễn “Hừng Đông” tái hiện lại cuộc đời, sự nghiệp của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu (1902 – 1942) – người con của xã Hoa Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Với lòng yêu nước thương nòi, ông đã đứng lên làm cách mạng, trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người con ưu tú của quê hương. Suốt cuộc đời, Phan Đăng Lưu đã sống, chiến đấu và hy sinh vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Tấm gương người cộng sản sáng ngời Phan Đăng Lưu mãi mãi được toàn Đảng, toàn dân ta hôm nay và các thế hệ mai sau trân trọng, ghi nhớ và noi theo.
Vở diễn “Hừng Đông” của tác giả PGS – TS Nguyễn Thế Kỷ được dàn dựng bởi: NSƯT Nguyễn An Ninh – Kịch bản dân ca; nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Đình Đắc – Âm nhạc; NSND Thu Hà – Biên đạo múa; họa sĩ Hoàng Huy – Thiết kế mỹ thuật; nhạc sĩ Tạ Minh Văn – Chỉ huy dàn nhạc; Hoàng Nam – Thiết kế ánh sáng; Ngọc Quyết – Trang âm; NSND Lê Hùng – Đạo diễn; NSND Hồng Lựu – Chỉ đạo nghệ thuật; các nghệ sĩ: Minh Thông, NSND Tuệ Minh, nghệ sĩ Triệu Quyền, Hoài Sinh, Duy Thanh, Thiên Huế, NSƯT Thành Vinh, Quang Sáng, Mai Kiên, Xuân Đức, NSƯT Đức Lam… cùng tập thể nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ phối hợp thể hiện.
Vở diễn “Hừng Đông” được Ban chỉ đạo nghệ thuật Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ dàn dựng công phu, hình thức thể hiện táo bạo, mới mẻ. Tác phẩm vừa mang tính ca kịch, vừa mang tính vũ kịch hiện đại lại sử dụng một số làn điệu âm nhạc dân gian, đặc biệt là những làn điệu dân ca ví, giặm thực sự là những thử thách cho đội ngũ nghệ sĩ. Bằng việc phối hợp ánh sáng, hình ảnh màn hình led, âm thanh nhạc cụ hiện đại với diễn xuất của diễn viên, bối cảnh không gian văn hóa xứ Nghệ; Huế; Hải Phòng; Nam bộ… đã được tái hiện một cách chân thực, sinh động, vừa giúp người xem cảm nhận được hơi thở của không khí lịch sử đất nước những năm đầu thế kỷ XX, vừa tạo ra những trường liên tưởng trong cảm thức của người xem.
Vở diễn còn hứa hẹn nhiều sáng tạo nghệ thuật bất ngờ, vượt qua khuôn khổ của một vở sân khấu truyền thống; có nhiều trường đoạn mang âm hưởng bi – hùng, phản ánh lịch sử đất nước những năm trước cách mạng tháng Tám với nhiều hi sinh mất mát nhưng chứa đựng ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa tư tưởng sâu sắc.
Vở diễn “Hừng Đông” do Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ dàn dựng sẽ được báo cáo tổng duyệt trước Hội đồng nghệ thuật Tỉnh vào chiều 7/12, trước khi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị và quần chúng nhân dân nhân dịp ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2 và Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đây cũng là công trình mà ngành Văn hóa Nghệ An kỷ niệm trọng thể 90 năm ngày Thành lập Đảng, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vở kịch “Hừng Đông” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã từng được dàn dựng theo thể loại sân khấu cải lương vào đầu năm 2016, do Nhà hát Cải lương Việt Nam (Đạo diễn Triệu Trung Kiên) và Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp dàn dựng nhằm chào mừng Đại hội XII của Đảng. Vở cải lương sau khi công diễn tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… được công chúng đón nhận và giới chuyên môn đánh giá cao cả về nội dung tư tưởng sâu sắc và hình thức thể hiện.
Lần này, vở kịch được “làm mới” hoàn toàn và đậm “chất Nghệ” bởi các nghệ sỹ của xứ Nghệ. Đặc biệt phần âm nhạc của vở diễn đã được viết rất công phu.
Một số tiểu cảnh sân khấu vở “Hừng Đông” do Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ dàn dựng:
Vở diễn “Hừng Đông” có màn khai từ và 7 cảnh: Cảnh 1, Quê nhà: Phan Đăng Lưu lúc đã là nhân viên Trại tơ tằm Thanh Ba, Phú Thọ về thăm nhà. Cảnh này nêu bật trí thông minh, bản lĩnh, hoài bão, truyền thông văn hóa, yêu nước của gia đình Phan Đăng Lưu, của quê hương ông.
Cảnh 2, Vinh – Nghệ An: Phan Đăng Lưu từ bỏ vị trí một viên chức trong bộ máy của thực dân, trở thành nhà hoạt động cách mạng.
Cảnh 3, Huế: Hoạt động cách mạng của Phan Đăng Lưu ở Huế.
Cảnh 4, Nhà đày Buôn Ma Thuột: Phan Đăng Lưu trong nhà tù Buôn Ma Thuột (1929-1936).
Cảnh 5, Tòa Khâm sứ Trung Kỳ: Phan Đăng Lưu chỉ đạo đấu tranh nghị trường, báo chí, văn hóa, tư tưởng ở Huế (1936-1939).
Cảnh 6, Nam Kỳ: Nam Kỳ sục sôi chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa.
Cảnh 7, Hội nghị Trung ương ở Đình Bảng: Phan Đăng Lưu ra Bắc, dự Hội nghị tái lập Ban chấp hành Trung ương Đảng, xin chủ trương đình hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.
Cảnh kết - Hừng đông: Phan Đăng Lưu bị địch bắt ngay khi về đến Sài Gòn, Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra trong khí thế cách mạng ngút trời của quần chúng; kẻ thù đàn áp hết sức dã man; Phan Đăng Lưu cùng nhiều chiến sỹ cách mạng ưu tú đã ngã xuống trước hừng đông của độc lập, tự do…