Hùng Dũng: 'Tôi từng sợ không thể đá bóng nữa'
Tiền vệ Đỗ Hùng Dũng cho biết giai đoạn khó khăn nhất từ sau chấn thương gãy chân đã qua và anh đang trong quá trình hồi phục tích cực.
3 tháng kể từ ngày gặp chấn thương nặng sau pha vào bóng của đối phương trên sân Thống Nhất hôm 23/3, tiền vệ Đỗ Hùng Dũng dành thời gian chia sẻ cùng Zing về quá trình chữa trị và phục hồi của bản thân.
Có thêm thời gian cho gia đình
- Chào Đỗ Hùng Dũng, tình hình sức khỏe của anh hiện tại ra sao rồi?
- Hiện tại, tôi có thể đi lại nhẹ nhàng mà không cần dùng nạng. Sắp tới, tôi sẽ chuyển sang giai đoạn tập nặng hơn khi chân đã có thể chịu được lực nặng hơn từ tạ hay các vật dụng phục vụ việc tập phục hồi. Tôi hy vọng mọi thứ sẽ ổn.
- Dũng là người nghiêm khắc với việc sinh hoạt cá nhân và các chế độ được anh thực hiện nghiêm ngặt. Việc bị chấn thương có ảnh hưởng gì tới cuộc sống?
- Không được tập luyện, thi đấu thì rất buồn. Với cầu thủ nói chung, niềm vui trên sân cỏ là chính. Việc chỉ có thể loanh quanh trong không gian nhỏ tại nhà và không thể đi lại bình thường khiến tôi có cảm giác bị cuồng chân. Lúc này, tôi đang rất mong tới ngày được trở lại sân cỏ.
Thực ra nhịp sinh học của tôi có bị đảo lộn đôi chút. Tôi phải ở trong nhà, sinh hoạt trong không gian nhỏ, thời gian tập ngắn hơn (do sức chịu đựng còn kém) và khối lượng tập cũng nhẹ hơn. Việc duy trì cân nặng cũng là thách thức bởi cường độ và khối lượng vận động phải giảm đi đáng kể.
May mắn là tôi vẫn đang giữ được cân nặng ở mức phù hợp, tránh tình trạng béo phì, gây ảnh hưởng tới thể lực cũng như quá trình vận động, điều trị chấn thương.
- Là cầu thủ chuyên nghiệp, việc tập luyện và thi đấu thường xuyên chiếm phần lớn trong quỹ thời gian của anh. Việc bị chấn thương cũng là cơ hội để Dũng dành cho gia đình nhiều hơn?
- Đúng vậy. Một sự trùng hợp là hiện tại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, bé Titi (Đỗ Gia Bảo, con trai Hùng Dũng) không đi học, mọi người cũng ở nhà nhiều hơn. Vì thế, tôi và mọi người có nhiều thời gian quây quần, cùng nhau sinh hoạt. Rất lâu rồi, gia đình tôi mới có điều kiện như vậy và tôi rất trân trọng quãng thời gian này.
- Và anh đã trở thành ông bố bỉm sữa?
- (Cười) Bạn Titi chạy rất nhiều, cậu bé hiếu động. Đôi khi hai bố con chơi đùa với nhau, mình tập thì bé cũng lon ton bên cạnh. Đó là giây phút rất tuyệt vời, bản thân tôi cũng tạm quên chấn thương để vơi bớt nỗi buồn.
- Anh có bất ngờ khi nhận sự quan tâm từ mọi người?
- Phải nói là tôi rất bất ngờ với tình cảm của mọi người, không chỉ trong gia đình hay đội bóng đâu. Nhiều CĐV ở những nơi rất xa xôi đều nhắn tin động viên tôi vượt qua khó khăn. Đúng thời điểm tinh thần mình đi xuống, gặp khủng hoảng thì mọi người ở bên cạnh động viên. Điều đó giúp tôi có thêm động lực để vượt qua.
Giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua rồi, hiện tại, tinh thần của tôi rất ổn và đang tập trung vào việc vật lý trị liệu, phục hồi sau chấn thương. Lúc mới chấn thương, tôi chỉ sợ bản thân không được chơi bóng nữa. Tâm trạng nói chung là bất an về tương lai. Nhưng được sự động viên, giúp đỡ tận tình, chu đáo của các bác sĩ, họ nói tương lai của mình còn xán lạn. Tôi tin đó là điều không chỉ bản thân tôi mà nhiều người cũng mong muốn.
Tinh thần là yếu tố quan trọng nhất
- Việc tập luyện hồi phục của anh diễn ra như thế nào?
- Từ khi bắt đầu bỏ được nạng, tôi bắt đầu tập các bài rèn luyện cơ bắp. Đặc biệt là cơ đùi và cơ chân được yêu cầu mức nặng hơn. Hai chân cũng đỡ bị lệch, bước đi vững hơn trước. Tất nhiên, việc điều trị cần thời gian và tôi không vội vàng đốt cháy giai đoạn. Việc điều trị cũng như phục hồi phải được tiến hành chậm, chắc chứ không thể đốt cháy giai đoạn.
Tôi nhận thức rõ loại chấn thương mình gặp không phải là nhẹ. Vì thế, mọi hành động đều phải cẩn trọng và được các bác sĩ điều trị theo sát để có những điều chỉnh hợp lý. Tôi hy vọng sẽ sớm trở lại sân cỏ và đạt phong độ tốt nhất.
- Một câu hỏi cho thì tương lai. Với những gì đội tuyển Việt Nam, đặc biệt là các cầu thủ ở tuyến tiền vệ, đang thể hiện, anh nghĩ sao về cơ hội của mình sau khi trở lại?
- Quan điểm của tôi là cơ hội của mình thì do bản thân mình quyết định. Tôi cho rằng khi bình phục chấn thương và trở lại, nếu mình vẫn duy trì được phong độ như trước thì cơ hội vẫn còn. Quan trọng nhất là tôi phải trở lại trước, còn việc được triệu tập là câu chuyện của thời gian rất dài về sau đó.
- Nhiều trường hợp không thể trở lại đỉnh cao sau khi gặp chấn thương nặng và cần nhiều thời gian để chữa trị. Dũng có cách gì để mình tránh gặp tình trạng này?
- Quan trọng nhất là thời gian phục hồi. Cầu thủ nào được khoảng 90% so với lúc trước, tôi tin mọi thứ sẽ đỡ hơn. Để lấy lại được tới 100% khả năng thì tuyệt vời quá, nhưng tôi nghĩ con số 90% thì cầu thủ có thể thoải mái và bớt lo lắng hơn.
- Những đồng đội, đồng nghiệp của Dũng từng gặp những ca chấn thương tương tự, thậm chí nặng hơn. Anh có được chia sẻ, giúp đỡ gì để quá trình hồi phục thuận lợi không?
- Tôi cũng được đồng đội chia sẻ nhiều. Với tôi, những chia sẻ đó có ý nghĩa rất lớn vì họ là những người từng trải qua và hiểu rất rõ vấn đề. Mình là người đi sau, những kinh nghiệm được chia sẻ lại luôn tốt.
Giá trị nhất có lẽ là về mặt tinh thần. Việc duy trì tinh thần, ý chí tập luyện không bao giờ từ bỏ là tối quan trọng trong việc điều trị để cầu thủ có thể sớm trở lại.
Ngoài những vấn đề như tôi đã nói ở trên, việc phải duy trì tập luyện thời gian dài với những bài tập khá nhàm chán, lặp lại hàng ngày rất dễ khiến cầu thủ sinh ra cảm giác chán nản, thiếu động lực. Vì thế, bản thân phải làm sao để giữ được tinh thần lạc quan, cố gắng tập luyện để quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi.
- Cá nhân anh có cách gì để việc tập luyện nhàm chán, như đã nói, không xảy đến?
- Thực ra, những bài tập nhàm chán đó chỉ ở khu vực chấn thương với những bài tập hồi phục. Tôi tập thêm với các nhóm cơ khác như thân trên, tập bụng... Những bài tập đó thì đa dạng hơn và có thể thay đổi hàng ngày.
- Anh đang phải dùng đinh nẹp cố định, thời gian này kéo dài bao lâu?
- Tôi có ba vết mổ ở chân, nhỏ thôi vì ca phẫu thuật ghép xương là mổ nội soi nên không gây ảnh hưởng nhiều. Tôi may mắn được gặp những bác sĩ có trình độ và kết quả của ca phẫu thuật tốt. Mọi thứ đang diễn biến tích cực.
Việc đóng đinh nẹp nằm cố định vết gãy và giúp quá trình lành xương thuận lợi hơn. Đinh này sẽ ở trong chân của tôi khoảng 1-2 năm. Sau đó, tôi phải thực hiện một ca phẫu thuật khác để tháo nó ra.
Sắp tới, tôi sẽ sang trung tâm PVF khi có thể tập nặng hơn và theo được các giáo án phục hồi chuyên biệt.
- Một số trường hợp ngại phải đi tháo đinh và cứ để vậy?
- Tôi cho rằng việc đó xuất phát từ việc nhiều người ngại phải lên bàn mổ thêm lần nữa. Sau đó, họ lại mất thời gian hồi phục. Thực sự là rất khó khăn đấy. Nhưng tôi được tư vấn rằng không nên để vậy quá lâu. Các bác sĩ nói sau một thời gian đinh nẹp không còn được như lúc đầu, dễ gây những biến chứng. Thực ra, sau khoảng 2 năm thì xương đã lành và trở lại như lúc đầu rồi.
- Vậy, bao giờ Hùng Dũng có thể trở lại sân cỏ?
- Tôi không đặt ra mốc thời gian chính xác. Khi nào mình bình phục 100% và các bác sĩ kết luận có thể thi đấu bình thường, tôi mới trở lại. Bất kỳ chấn thương nào cũng cần quá trình phục hồi bài bản, kỹ lưỡng, không thể đốt cháy giai đoạn để những hệ lụy về sau.
- Cám ơn Đỗ Hùng Dũng về những chia sẻ vừa rồi. Chúc anh sớm bình phục và trở lại với sân cỏ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hung-dung-toi-tung-so-khong-the-da-bong-nua-post1219335.html