Hưng Nhơn, làng quê yên bình

Uốn lượn mềm mại bên dòng sông Ô Lâu ở phía Nam huyện Hải Lăng, xóm mạc ở làng Hưng Nhơn, xã Hải Phong (sáp nhập từ xã Hải Hòa với Hải Tân), mang nét đẹp bình yên. Nhà cửa san sát, sạch đẹp, ngõ kiệt được xây khang trang và được đánh số thứ tự; cảnh quan đường sá, cây xanh, cây cảnh đẹp mắt; các thiết chế văn hóa, đình chùa miếu mạo, nhà thờ họ tộc, đình làng phân bố hài hòa; người dân thân thiện, mến khách… đã tạo nên bức tranh làng quê thơ mộng mà chắc hẳn du khách một lần ghé đến sẽ rất khó quên.

 Người dân chung sức xây dựng các giàn hoa leo để làm đẹp đường làng. Ảnh: ĐV

Người dân chung sức xây dựng các giàn hoa leo để làm đẹp đường làng. Ảnh: ĐV

Trưởng thôn Hưng Nhơn Nguyễn Như Khoa cho biết, thôn có 1.275 khẩu, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thương mại dịch vụ. Toàn thôn có 202 ha lúa, hiện đang dần chuyển sang canh tác lúa theo hướng lúa hữu cơ chất lượng cao, áp dụng cơ giới hầu hết ở các khâu sản xuất; khoảng 3 ha hoa màu như lạc, ớt… Sau khi về đích nông thôn mới năm 2017, xã Hải Hòa (cũ) cũng như thôn Hưng Nhơn tiếp tục hướng đến xây dựng xã, thôn kiểu mẫu với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó chú trọng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, chỉnh trang nông thôn, xây dựng làng quê sáng- xanh- sạch- đẹp, văn minh.

Là một làng quê thuần hậu mang nhiều nét truyền thống của vùng quê trũng Hải Lăng, thôn Hưng Nhơn hiện vẫn còn giữ được nhiều thiết chế văn hóa lâu đời như đình, chùa, miếu, phủ, nhà thờ họ. Những thiết chế văn hóa này được phân bố với phía trước là hói Tiền Giang, phía trước nữa là dòng sông Ô Lâu trữ tình. Dọc theo đó là con đường bê tông uốn lượn mềm mại dưới những hàng cây xanh càng gợi nét yên bình của làng quê nơi đây. Làng quê Hưng Nhơn hiện vẫn gìn giữ và phát huy được nhiều lễ hội văn hóa truyền thống thường niên như: Lễ hội bưng đá ở đình làng, lễ xuống vụ, lễ thanh minh và nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc khác… đã tạo nên đời sống tinh thần phong phú cho người dân.

Bắt tay vào mục tiêu xây dựng làng quê kiểu mẫu, thôn Hưng Nhơn đã triển khai nhiều phần việc như: Hoàn thành hệ thống điện chiếu sáng đường thôn, các ngõ kiệt; hoàn thành xây dựng và đánh số thứ tự các cổng, kiệt ở các xóm; xây dựng tuyến đường hoa dọc theo hói Tiền Giang. Đến nay các phần việc này cơ bản đã hoàn thành, dần tạo nên bức tranh làng quê thơ mộng. Theo Trưởng thôn Nguyễn Như Khoa, mong ước của địa phương cũng như người dân là đến một lúc nào đó Hưng Nhơn sẽ trở thành địa điểm thu hút các bạn trẻ, người dân trong vùng tìm đến thỏa sức chụp hình, vui chơi với những giàn hoa leo đủ màu sắc…

Với địa thế nằm giáp ranh với tỉnh Thừa Thiên Huế, từ lâu chợ Hải Hòa đã hình thành, phát triển và trở thành trung tâm buôn bán ở địa phương với các xã phụ cận. Nơi đây, ngoài các mặt hàng thiết yếu thông thường thì còn có đầy đủ các mặt hàng nông sản của địa phương như thủy sản sông nước, gia súc, gia cầm, hoa quả và cả… chuột đồng. Nằm ở xã vùng trũng ở phía Nam của huyện Hải Lăng, chợ Hải Hòa ngày nay trở thành trung tâm mua bán ngày càng nhộn nhịp, dần quy tụ thêm nhiều loại hình dịch vụ thương mại đã từng bước mang bóng dáng của một thị tứ ven sông. Hiện thôn Hưng Nhơn đang tập trung vận động, hỗ trợ các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm di dời trang trại ra xa khu dân cư; tổ chức các tổ thu gom rác thải để giữ gìn vệ sinh môi trường thôn, xóm.

Thôn cũng đã từng bước đầu tư xây dựng hoàn thiện các khu vui chơi trẻ em, khu tập luyện TDTT cho người dân. Vận động người dân thực hiện tốt Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị trong việc tổ chức đám tang không để dài ngày và không tổ chức ăn uống linh đình, không đốt vàng mã trong khi đưa tang gây ô nhiễm môi trường; cưới hỏi tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mĩ tục. Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện thể dục buổi sáng và các hoạt động thể thao như: Bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đi bộ và buổi sáng và tối… Một hoạt động thường xuyên đã trở thành phong trào tích cực, nổi bật của thôn Hưng Nhơn là ra quân vệ sinh môi trường định kì được phân công cho hội viên, đoàn viên các hội, đoàn thể. Phong trào này đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của tất cả mọi người. Dịp Tết Canh Tý, đông đảo hội viên chi hội cựu quân nhân của thôn đã sôi nổi ra quân vệ sinh môi trường dọc theo chiều dài khoảng 800 m của hói Tiền Giang.

Ông Lê Văn Bình, cựu chiến binh thôn Hưng Nhơn tham gia ra quân vệ sinh môi trường nói: “Việc ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm và ở mỗi gia đình ở Hưng Nhơn đã trở thành thói quen từ lâu rồi. Cứ đến ngày được phân công là mọi người đều hăng hái tham gia. Vừa sạch đẹp xóm làng vừa làm sạch sân vườn gia đình nên ai cũng vui vẻ thực hiện. Thấy làng quê ngày càng khang trang, sạch đẹp, văn minh ai cũng cảm thấy vui, phấn chấn qua đó thúc đẩy mọi người hăng hái, ra sức lao động, làm ăn để phát triển kinh tế gia đình và đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Tính đến nay, thu nhập bình quân đầu người thôn Hưng Nhơn đạt 37 triệu đồng/năm; 100% người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,7%; 98% gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Chia tay làng quê Hưng Nhơn khi đất trời đang bước vào tiết xuân ấm áp, chúng tôi ấn tượng mãi với phong cảnh làng quê yên bình, hữu tình uốn mình theo dòng sông Ô Lâu thơ mộng. Dáng dấp một ngôi làng thuần hậu với dấu ấn văn hóa truyền thống nằm ở tận cùng phía Nam huyện Hải Lăng sẽ khiến cho mỗi người có dịp ghé qua sẽ thật sự khó quên…

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=145892