Hùng sư phương Bắc
Ngày 30-11-1700, 'đại chiến Bắc Âu' kéo dài 21 năm khởi đầu với trận Narva, trong nỗi sửng sốt của cả Nga Sa hoàng Pyotr đệ nhất lẫn toàn cõi cựu lục địa. Quân đội Nga đại bại dưới tay địch thủ mà họ dường như 'không để vào mắt' là Thụy Điển - đoàn quân bé nhỏ được dẫn đầu bởi một vị quân vương chưa đầy 18 tuổi - vua Karl XII (còn được chép là Carl XII, hoặc Charles XII).
Đất nước Scandinavia vụt dậy trở thành một quyền lực đích thực trên bản đồ địa chính trị châu Âu, dù chỉ duy trì được một quãng thời gian ngắn ngủi.
Bốn mặt là cường địch
Có lẽ đầu tiên, điều cần thiết là một cái nhìn toàn cảnh về châu Âu thời điểm đó.
Ở Tây Âu, nước Pháp dưới triều đại "Vua Mặt trời" (Le Roi Soleil) Louis XIV tiến vào kỷ nguyên cường thịnh nhất. Tuy vậy, những nỗ lực xưng hùng xưng bá và bành trướng vào trung tâm châu Âu của ông vẫn luôn bị ngáng trở bởi những nỗ lực ngoại giao mà nước Anh thực hiện nhằm bảo đảm vị thế của mình.
Ở Đông Âu, Pyotr I - tức Pyotr Đại đế - cũng đưa nước Nga trỗi dậy mãnh liệt bằng những cuộc cải tổ toàn diện và vĩ đại. Tuy nhiên, những tham vọng phát triển xuống vùng Đông Nam Âu - bán đảo Balkan - của Đại đế nước Nga vấp phải sự cạnh tranh của một đế quốc hùng mạnh không kém: Đế quốc Hồi giáo Ottoman.
Ở Bắc Âu, quyền uy của Đan Mạch - thế lực hậu duệ người Viking từng nhiều lần thống trị cả Na Uy, Thụy Điển và cả dải duyên hải Baltic, từng bắt cả hoàng gia Anh phải cống nạp - đã bắt đầu suy yếu. Đan Mạch đã phải cắt trả vùng Skone phía nam Thụy Điển vào năm 1658, nhưng vẫn còn giữ được Na Uy trong khối Liên hiệp Đan Mạch - Na Uy. Trong khi đó, Liên bang Ba Lan - Lithunia (hay còn gọi là Khối thịnh vương chung Ba Lan - Litva), thành lập năm 1569 trên cơ sở thực tế là sự hợp nhất Vương quốc Ba Lan và Đại công quốc Lithunia từ năm 1386, từ vài thế kỷ trước cũng đã đủ sức đô hộ những công quốc của người Slav chung quanh.
Karl XII lên ngôi trong bối cảnh ấy, khi được thừa kế không chỉ tước hiệu vua Thụy Điển, mà còn là cả những vùng lãnh thổ như Phần Lan, Pomerania (bờ nam biển Baltic), Livonia, Estonia, cùng một số đô thị Đức. Không chỉ vậy, quân đội Thụy Điển đã được trui rèn khá tốt, kể từ thời vua Gustav II Adolf - Gustav Đại đế, người đưa Thụy Điển từ một quốc gia hạng trung thành một cường quốc hàng đầu ở châu Âu.
Trận Narva nổ ra như thế, khi Pyotr Đại đế của nước Nga quyết tâm cùng đồng minh (khi đó) là Ba Lan - Litva đánh phủ đầu Thụy Điển, ngay sau khi ký được một hòa ước với Ottoman. Vua Ba Lan là August II muốn chiếm Livonia từ tay Thụy Điển. Đan Mạch cũng muốn tham dự để lấy lại một phần những gì đã mất. Còn chính Pyotr I, rõ ràng, cũng muốn tiếp tục khuếch trương uy thế của nước Nga.
Ngày 9-8-1700, nước Nga Sa hoàng tuyên chiến với Thụy Điển, đồng thời xua quân hướng về hai xứ Ingria và Karelia. Để đến được hai nơi đó, quân Nga phải đi qua Narva.
Chói sáng và phụt tắt
Vị tân quân trẻ tuổi của Thụy Điển, từ trước đó, đã không cam tâm bó tay. Karl XII kêu gọi quyên tiền để mộ thêm lính. Ông tiêu pha đến khánh kiệt ngân khố hoàng gia, nhằm phục vụ quân đội. Rất nhanh, ông có trong tay một đoàn quân vô cùng thiện chiến, và vị vua chưa đầy 18 tuổi ấy dẫn quân sang tàn phá kinh đô Copenhaghen của Đan Mạch trong tháng 7, rồi dong thuyền vượt biển xuyên qua những cơn bão mùa thu, đón đánh cánh quân Ba Lan đang hướng tới Livonia. Quân Thụy Điển dễ dàng đập tan cánh quân này, rồi nhanh chóng rút về, gia cố thành lũy Narva, chờ đợi quân Nga.
Nhưng đến lúc ấy, toàn quân Thụy Điển cũng chỉ có 12.000 quân. Còn tổng số lính Nga lên đường chiến dịch là 37.000 quân. Vấn đề là, nếu Karl XII ngự giá thân chinh chỉ huy quân Thụy Điển, thì Pyotr I lại có việc phải quay về Moskva, và trao quyền lại cho một vị Nguyên soái Nga - Fyodor Golovin, cùng một vị tướng người nước ngoài chưa từng có kinh nghiệm thực chiến - De Croy, người có lẽ còn không đủ khả năng chỉ huy một sư đoàn. Bên cạnh họ, sự hời hợt của Sa hoàng còn thể hiện rõ với hàng loạt những tướng tá non nớt khác. Có lẽ Pyotr tin rằng với sự vượt trội về quân số, thuộc hạ của ông dù thế nào cũng sẽ dễ dàng đè bẹp Thụy Điển.
Những tính toán phía Nga nhanh chóng bị lật nhào. Dưới chân thành Narva, "thiên thời" cũng thuộc về đoàn quân Scandinavia, khi một trận mưa tuyết lớn đổ xuống, và gió thổi chắn hết tầm quan sát của quân Nga. Không bỏ lỡ cơ hội, dù pháo và súng trường không thể bắn được do thuốc súng bị ẩm, Karl XII vẫn hạ lệnh xung phong. Lính Thụy Điển tuốt gươm, lắp lưỡi lê, xông thẳng vào hàng quân Nga đánh giáp lá cà.
Không chuẩn bị cho tình huống đó, quân Nga rối loạn, tan tác và bị thảm sát. Rất nhiều người đầu hàng, bao gồm cả De Croy. Rất ít đơn vị còn đủ khả năng chiến đấu anh dũng, chứ chưa nói đến giữ được vị trí và đội hình. Cuối cùng, toàn bộ quân Nga phải đầu hàng. Chỉ một số người hiếm hoi chạy thoát.
Chỉ trong một buổi chiều 30-11-1700 ấy, danh tiếng quân Thụy Điển được đưa lên mây xanh. Họ chỉ mất 667 lính, và 1247 người khác bị thương. Trong khi đó, quân Nga có tới 9.000 lính tử trận (gồm hàng nghìn người chết đuối và chết cóng khi bỏ chạy), 20.000 lính bị thương, và bị tịch thu toàn bộ khí giới, chiến cụ, lương thảo.
Narva trở thành một bước ngoặt lớn. Nhưng đáng buồn thay, bước ngoặt đó lại dẫn đến kết cục có hậu cho những kẻ chiến bại.
Lên đỉnh vinh quang khi còn quá trẻ và quá thiếu trải nghiệm, Karl XII không giữ được chính đôi chân của mình trên mặt đất. Mặc kệ quốc khố trống rỗng, ông tiếp tục xua quân vào những cuộc chinh phạt mới. Mặc kệ sự săn đón của cả vua Pháp Loius XIV lẫn vua Anh William III, Karl XII không thèm hội kiến ai. Được mệnh danh "con hùng sư phương Bắc" hay "người bất khả chiến bại", Karl XII nghĩ rằng mình và quân đội Thụy Điển thực sự đã là "thiên hạ vô địch".
Điều đó cũng không phải là không có cơ sở. Với một lực lượng không lớn, lại không quá dồi dào về hậu cần, chỉ bằng "chân tài thực học" cũng như sự kiên định truyền cho tướng sĩ, đến năm 1704, Karl XII đã ép được Ba Lan truất phế Vua August II, đồng thời đưa một người bạn thiếu thời là Stanislaw Leszczynski lên ngôi. Thụy Điển ký với Ba Lan một hiệp ước năm 1705, nghĩa là triệt một đồng minh tạm thời của Nga, đồng thời hứa sẽ đòi lại hộ Ba Lan những phần lãnh thổ đã bị Nga chiếm. Cùng lúc, Karl XII còn muốn trở thành "Người bảo vệ đạo Tin Lành", lật đổ quyền uy Thiên Chúa giáo La Mã ở Vatican.
Suốt bốn năm chinh chiến đó, Karl nhiều lần đánh thắng quân Nga. Do đó, sự khinh thường nước Nga hằn sâu vào tâm trí nhà vua Thụy Điển. Ngược lại, học hỏi từ thất bại, Pyotr Đại đế không đánh giá thấp tài thao lược của Karl XII nữa, mà rất thận trọng chuẩn bị cho những cuộc chiến tiêu hao trường kỳ.
Cuộc chiến ấy nổ ra, khi Karl XII nghe lời đại thần Anh John Churchill, quận công Malborough, nhất quyết từ chối hòa đàm với Nga, mà tiến quân vào đất Nga, với tham vọng tàn phá Moskva và lật đổ Sa hoàng, ép nước Nga phụ thuộc (năm 1708). Và từ thời điểm đó, Karl XII trở thành một tấm gương tày liếp, tấm gương mà đáng lẽ Napoleon Bonaparte và Hitler sau này phải soi thật kỹ. Suốt hai năm, quân Thụy Điển thắng hết trận này đến trận khác, nhưng những tổn thất của họ không thể được bù đắp trong không gian mênh mông của nước Nga. Ngược lại, quân Nga luôn được bổ sung đầy đủ, và vẫn vô cùng kiên nhẫn chờ đợi cơ hội phản kích.
Trận Poltava năm 1709 là dấu chấm hết cho những giấc mơ hão huyền của Karl XII. Quân Thụy Điển đại bại. Nhà vua Thụy Điển chỉ còn 600 người hộ giá, chạy trốn sang Ottoman, bắt đầu một quãng bôn ba 15 năm trước khi được phục quốc. Song, ông trở về chỉ để lại lên đường dấn thân vào những chiến dịch mới.
Ngày 30-11-1718, tức là tròn 18 năm sau đại thắng Narva, Karl XII đi thị sát khi đang dẫn 43.000 quân Thụy Điển bình định Na Uy. Khoảng 21h30, một tiếng súng vang lên, khi ông đang phơi mình một cách khinh suất giữa rất nhiều tầm ngắm. Viên đạn đi xuyên qua sọ. "Con hùng sư phương Bắc" đã vĩnh viễn không còn cất tiếng gầm, khi mới 36 tuổi. Và Thụy Điển vĩnh viễn không bao giờ còn đủ sức "tranh hùng cùng thiên hạ" nữa.
Một thiên tài quân sự đầy bi kịch. Hay nói đúng hơn, bi kịch của một thiên tài chỉ biết sử dụng kỹ năng quân sự, mà không bao giờ để tâm đến sức mạnh của sự mềm mỏng tinh tế trong nghệ thuật ngoại giao.
* Một câu nói được ghi nhớ của Karl XII: "Trẫm không phản đối hòa bình. Trẫm chỉ hướng tới một nền hòa bình lâu dài. Quá nhiều nước muốn Thụy Điển suy yếu, và chúng ta phải dựa vào thực lực của mình". Nghĩa là, phải "đánh cho họ biết sợ".
* Karl XII thể hiện rõ sự tự tin đến ngạo mạn của mình rất sớm, khi từ chối việc một chức sắc tôn giáo nào đó đội vương miện cho ông. Và bởi vì "ta sinh ra là để lên ngôi, nên lễ tấn phong là vô nghĩa", Karl XII chỉ cho phép một giám mục xức dầu thánh chúc lành cho mình, còn ông tự cầm vương miện đặt lên đầu mình.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/hung-su-phuong-bac-621325/