Hung thần Kh-35UE Nga tấn công theo 'bầy', chiến hạm địch khó thoát
Kh-35UE là tên lửa chống hạm chuẩn hóa, dành để xuất khẩu, hơn nữa, đây là tên lửa chuẩn hóa đầu tiên của Nga, có thể dùng để trang bị cho tàu mặt nước, trực thăng, máy bay, hệ thống tên lửa bờ biển. Và thậm chí tàu ngầm...
Tên lửa Kh-35E và biến thể Kh-35UE của nó do Tập đoàn Vũ khí tên lửa (KTRV) của Nga phát triển không những không thua kém các loại tương tự của nước ngoài và còn vượt trội về nhiều tham số, công trình sư trưởng Nikolai Vasiliev khẳng định.
Kh-35UE là tên lửa chống hạm chuẩn hóa, dành để xuất khẩu, hơn nữa, đây là tên lửa chuẩn hóa đầu tiên của Nga, có thể dùng để trang bị cho tàu mặt nước, trực thăng, máy bay, hệ thống tên lửa bờ biển. Và thậm chí tàu ngầm, mặc dù phương án này hiện chưa được hải quân Nga hay hải quân các nước đang mua nhiều vũ khí trang bị của Nga xem xét.
Việc chế tạo tên lửa chuẩn hóa đã cho phép giảm mạnh giá cả vì giảm được chi phí phát triển. Nghĩa là không cần chế tạo song song các biến thể trang bị cho hạm tàu, máy bay-trực thăng và hệ thống tên lửa bờ biển.
Khi nói về các ưu thế của tên lửa chuẩn hóa của Nga so với các loại tương tự của nước ngoài, ông Vasiliev trước hết muốn nói đến thành công của nó trên thị trường thế giới. Vì thế mà loại tên lửa Harpoon sống lâu của Mỹ, mặc dù đã có những nỗ lực cải thiện lớn tính năng thông qua hiện đại hóa, đang nhanh chóng mất sức hấp dẫn đối với khách hàng trên thế giới.
Điều quyết định ưu thế lớn về chất lượng của Kh-35UE so với Harpoon cụ thể là đầu tự dẫn tiên tiến hơn. Đầu tự dẫn của tên lửa Mỹ là đầu tự dẫn radar với kênh quán tính. Ở Kh-35UE, ngoài radar, đầu tự dẫn còn sử dụng hệ dẫn vệ tinh để dẫn tên lửa đến mục tiêu. Do đó, đầu tự dẫn của Kh-35UE làm việc với mức tín hiệu thấp hơn. Harpoon khi bay tiếp cận mục tiêu phát ra công suất 6 kW, vì thế tự bộc lộ mình và bị hệ thống phòng thủ tên lửa đối phương chặn đánh.
Các tên lửa chống hạm hiện đại bay thành “bầy”. Có nghĩa là với tất cả các biện pháp nhằm nâng cao khả năng chống nhiễu của đầu tự dẫn và đối phó với các thủ đoạn phòng vệ đối phó của mục tiêu mà ở đây là các hạm tàu đối phương thì, trung bình chỉ có 1 trong 8 quả tên lửa phóng đi có khả năng đột phá qua hàng rào phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên, các công trình sư thiết kế Kh-35UE đã nâng cao được khả năng bảo vệ của tên lửa, nhờ đó xác suất đột phá phòng thủ tên lửa tăng lên đến 1 trong 4 quả tên lửa phóng đi có thể vượt qua hỏa lực phòng không.
KTRV đã mất gần 10 năm cho nghiên cứu chế tạo đầu tự dẫn độc đáo này. Khi ý tưởng cuối cùng về nguyên lý dẫn tên lửa đến mục tiêu chín muồi và mẫu chế thử đã sẵn sàng, công ty Lockheed của Mỹ đã đề nghị Nga cho tiến hành thử nghiệm đầu tự dẫn. Và nếu đầu tự dẫn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của Mỹ thì họ có thể mua. Đó là thời những năm 1990, khi mà công nghiệp quốc phòng Nga lâm vào cảnh đói tiền trầm trọng.
Tuy nhiên, người Mỹ đã không thu nhận được gì bằng con đường công khai. Sau một thời gian, công trình sư trưởng đầu tự dẫn đã chết trong hoàn cảnh bí ẩn, ông bị giết trên tàu hỏa tuyến Moskva-Petersburg. Không lâu sau, chuyên gia lập trình chính, người đã viết phần mềm xử lý thông tin trong bộ xử lý của đầu tự dẫn mất tích. Những tổn thất này là không thể bù đắp và đẩy lùi 4 năm các chuyên gia thiết kế tên lửa.
Mẫu cơ sở của tên lửa Kh-35 được nhận vào trang bị vào năm 2003. Kh-35UE trẻ hơn 10 năm. Tập thể thiết kế do Nikolai Vasiliev đứng đầu đã thực hiện được cú đột phá mang tính hiện tượng so với biến thể cơ sở. Nhờ hệ thống nhiên liệu mới và các tính năng được nâng cấp của động cơ, họ đã tăng được gấp đôi tầm bắn của tên lửa, nay đạt 260 km thay vì 130 km. Trong khi tốc độ tên lửa vẫn như vậy là 0,8-0,85М. Hơn nữa, các chuyên gia Nga đã không phải hy sinh ngay cả trọng lượng phần chiến đấu, trọng lượng của nó vẫn không đổi.
Như trên đã nói, khả năng đột phá phòng thủ tên lửa đối phương của Kh-35UE đã tăng mạnh. Ngoài ra, nếu như trước đây, đầu tự dẫn radar bắt mục tiêu ở cự ly 20 km, thì nay cự ly đã tăng lên đến 50 km. Khi tìm kiếm mục tiêu, đầu tự dẫn quét không gian bằng cách quay tia radar ở góc ±45 độ theo phương ngang và +10 độ ÷ - 20 độ theo phương đứng. Ở giai đoạn bay hành trình, tên lửa bay ở độ cao 10-15 m, sau khi bắt mục tiêu, tên lửa hạ xuống độ cao đến 3-4 m tùy theo trạng thái sóng biển.
Nhờ có kích thước tương đối nhỏ, tên lửa có độ bộc lộ thấp đối với radar phòng không tàu địch. Độ bộc lộ còn giảm hơn nữa nhờ sử dụng một phần công nghệ tàng hình khi sản xuất. Kẻ địch khó phát hiện tên lửa bay mà cả việc phóng tên lửa vì tên lửa được phóng từ ngoài đường chân trời radar.
Khi so sánh tính năng của Kh-35UE và biến thể cuối cùng của Harpoon, có thể cho rằng, tên lửa Mỹ có khả năng gây tổn hại lớn cho tàu bị tấn công bởi vì phần chiến đấu của nó có trọng lượng 235 kg, trong khi phần chiến đấu của Kh-35UE chỉ nặng 145 kg. Tuy vậy, ngay cả 145 kg cũng hoàn toàn đủ để gây tổn thất không thể bù đắp đối với các hạm tàu có lượng giãn nước đến 5.000 tấn, tức là các tàu khu trục và tất cả các tàu có lượng giãn nước nhỏ hơn. Harpoon cũng có dải mục tiêu tiêu diệt như vậy.
Nhưng cũng phải tính đến cái tạm gọi là “hệ số tác động hữu ích” của tên lửa. Như đã nói ở trên, nhờ có khả năng vượt qua hàng rào phòng thủ tên lửa đối phương hiếm có, trong 4 quả Kh-35UE, có 1 tên lửa chắc chắn bay đến đích. Ở Harpoon, chỉ số này kém hơn khoảng 2 lần. Do đó, 235 kg thuốc nổ của Mỹ tương ứng với 290 kg thuốc nổ của Nga.
Và mặc dù Kh-35 còn chưa có cơ hội đánh chìm một tàu khu trục nào, nhưng khả năng đó của nó đã được chứng minh gián tiếp vào năm 2000. Một xuồng máy chở 1 tên khủng bố đã lao thẳng vào tàu khu trục USS Cole trong cảng Aden, Yemen. Chỉ có gần 200 kg thuốc nổ phát nổ, đây cũng không phải là vụ nổ định hướng như hiệu ứng sát thương của ngư lôi chống hạm, song cũng đã đủ để tạo ra lỗ thủng kích thước 9×12 m ở vỏ tàu khu trục Mỹ. Và tàu USS Cole đã chìm nếu như nó đang ở giữa đại dương. Tại cảng, tất cả các phương tiện cứu hộ hiện có đều được đưa vào cứu hộ tàu chiến Mỹ. Vì thế, phần chiến đấu của tên lửa Nga thừa sức để “xử lý” các tàu khu trục NATO.
Tầm bắn của Kh-35UE nhỏ hơn 20 km so với Harpoon - 260 km so với 280 km, nhưng điều đó không mâu thuẫn với tuyên bố của công trình sư trưởng Kh-35UE. Tên lửa Nga có ưu thế so với các loại tương tự của nước ngoài về đa số các tính năng, chứ không phải về tất cả các tính năng. Tuy nhiên, tên lửa Nga có ưu thế lớn về tính năng quan trọng nhất là khả năng đột phá phòng thủ tên lửa.
Tuy vậy, trên thị trường vũ khí trang bị thế giới, giá cả sản phẩm cũng có vai trò lớn. Harpoon đắt hơn nhiều tên lửa Nga, nghĩa là Kh-35UE có ưu thế rõ ràng cả về giá và về chất lượng sản phẩm. Song các nhà sản xuất tên lửa Mỹ có ưu thế rất lớn so với các đối thủ. Có những tiêu chuẩn NATO nhất định mà tất cả các thành viên của khối đều phải tuân thủ. Đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng các tiêu chuẩn ấy là Lầu Năm góc và công nghiệp quốc phòng Mỹ. Chính vì thế mà vũ khí Mỹ đang được mua với số lượng lớn.
Thực tế, các nước phát triển về công nghệ cũng đang phát triển một số loại vũ khí theo các tiêu chuẩn này. Ví dụ như Đức, Pháp và Anh. Trong số các tên lửa cạnh tranh với Kh-35UE, ông Nikolai Vasiliev nêu ra tên lửa chống hạm Exocet của Pháp.
Tên lửa Exocet được sản xuất loạt từ năm 1973. Hiện nay, Pháp đang sản xuất biến thể thứ 5 của nó. Xét về tính năng, Exocet gần với Harpoon, tuy có thua kém đôi chút.
Exocet đã chứng minh đầy đủ khả năng đánh chìm tàu khu trục, hơn nữa lại là tàu khu trục của đồng minh trong NATO. Trước khi nổ ra cuộc chiến tranh Falklands, Hải quân Argentina đã mua sắm các tên lửa này và chính các tên lửa Exocet này đã đánh đắm tàu khu trục Anh HMS Sheffield và tàu chở container Atlantic Conveyor, cũng như bắn bị thương nặng tàu khu trục HMS Glamorgan. Đây là màn quảng cáo tuyệt vời cho Exocet và nhiều nước đã bắt đầu tích cực mua tên lửa này.
Biến thể cuối cùng của Exocet có tầm bắn 180 km, trọng lượng phần chiến đấu 165 kg, tốc độ 0,93М, sử dụng hệ dẫn kết hợp quán tính và đầu tự dẫn radar.
Theo VND