'Hung thần' xe quá tải tung hoành, đê sông Hồng 'gồng mình' chống đỡ!

Trên tuyến đê Hữu Hồng, tỉnh lộ 427 và QL1 ở huyện Thường Tín, Hà Nội, từng đoàn xe quá tải hoạt động rầm rộ, bất chấp các cơ quan chức năng.

Xe quá tải cày xới mặt đê Hữu Hồng (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) gây bức xúc dư luận nhiều tháng nay.

Xe quá tải cày xới mặt đê Hữu Hồng (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) gây bức xúc dư luận nhiều tháng nay.

'Hung thần' phá đê

Theo ghi nhận của PV, khu vực đê Hữu Hồng thuộc địa phận xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) hằng ngày có hàng trăm xe tải chở đất, cát, xe bồn chở bê tông di chuyển tốc độ cao qua điểm mặt đê bị rạn nứt, lún dài và được cắm biển hạn chế tải trọng tối đa 12 tấn.

Phần lớn những xe này là xe Dongfeng với tải trọng 8 tấn nhưng đều chở vật liệu vượt thùng, được phủ kín bạt. Cách đó không xa, đối diện UBND xã Hồng Vân,(huyện Thường Tín), hàng chục xe tải lần lượt chở vật liệu từ các “sa mạc” cát từ trạm bê tông Hồng Vân di chuyển lên đê khiến cả các nút giao này mù đặc bụi đất, cát.

Anh Ngọc Thăng (40 tuổi, trú xã Hồng Vân) cho hay, con đường làng dẫn ra đê luôn trong tình trạng hai rãnh xẻ giữa đường và được phủ lớp bụi dày vài cm. Mỗi khi xe tải lên đê, bụi cát mù mịt dài cả chục mét. Khi trời mưa, đường lầy lội khiến việc di chuyển gặp nhiều khó khăn. Cũng theo anh Thăng, không chỉ đường làng bị tàn phá mà mặt đê khu vực anh sống cũng bị xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều điểm bị rạn nứt, lún 2-3 cm. Dù liên tục được lực lượng chức năng sửa chữa, đắp nhựa đường nhưng vài tháng nứt lại hoàn nứt, lún lại hoàn lún. Các vết nứt kéo dài tạo thành những con “lươn” khổng lồ trên đê khiến người điều khiển phương tiện gặp nguy hiểm.

Xe tải "cày ải" liên tục khiến mặt đường nứt.

Xe tải "cày ải" liên tục khiến mặt đường nứt.

Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, Chi cục Quản lý đê điều – Sở NN&PTNT TP. Hà Nội cho biết, trên tuyến đê Hữu Hồng thuộc địa phận tỉnh huyện Thường Tín đang bị vi phạm nghiêm trọng. Nguyên nhân trực tiếp là do hàng nghìn chuyến xe quá tải trọng, vượt tiêu chuẩn thiết kế đi trên đê làm rạn nứt, lún nhiều điểm. Trong đó, có nhiều điểm bị rạn nứt nghiêm chưa được khắc phục trước mùa mưa bão năm 2019.

Trên chiếc xe tải màu vàng mang nhãn hiệu Hyundai loại 8 tấn, mang BKS: 48C-019xx, từ một mỏ vật liệu xây dựng thuộc xã Hồng Vân, tài xế T. liên tục phải kéo những hồi còi dài để báo hiệu cho các phương tiện đi phía trước. Anh giải thích: “đường đê vốn nhỏ hẹp, lại đông phương tiện, xe mình thì nặng thế, không kéo còi từ xa lúc đến gần sợ không phanh kịp”.

Chúng tôi hỏi: “Xe chở gì, bao nhiêu tấn?”. Anh đáp: “Chở đất, cả xác xe và hàng vào khoảng 25 tấn, gần gấp 3 lần tải trọng cho phép". Cát sông vừa được hút lên thường rất nặng, đặc biệt khi bị ngấm nước. Tuy vậy, chỉ cần phủ lên trên thùng một lớp bạt mỏng che đậy đám vật liệu nặng nề bị lèn chặt phía dưới, chiếc xe của anh T. cứ thế lao vun vút trên đê Hữu Hồng mà không gặp phải bất kỳ sự kiểm soát nào.

Theo lái xe T., phần lớn các xe chở đất trên địa bàn huyện huyện Thường Tín tải trọng cho phép chỉ từ 7 - 8 tấn nhưng thực tế thì xe lại chở đến 25 - 30 tấn. Xe quá tải lưu thông trên đường rất nhiều, nếu cân kiểm tra toàn bộ, 100% đều quá tải.

Qua mặt lực lượng chức năng?

Mỗi lần các xe này lao vun vút trên đường, người tham gia giao thông phải “dạt” sang hai bên lề để đảm bảo an toàn tính mạng.

Nhiều xe không chỉ có dấu hiệu chở quá tải, mà còn che chắn sơ sài, khiến đất, cát vương vãi khắp mặt đường, thậm chí, cứ mỗi chuyến xe chạy qua, lượng cát loãng từ trên xe lả chả rơi xuống đường vô cùng nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông phía sau.

Bám theo những chiếc xe này, chúng tôi phát hiện có nhiều đột biến kỳ lạ. Sau khi "ăn hàng" tại các bãi tập kết ven đê Hữu Hồng, các xe Dongfeng, Howo..."cõng" trên mình vài chục tấn cát xuôi theo đường tỉnh 427. Đến ngã 3 thị trấn Thường Tín thì tiếp tục tỏa theo hướng Quốc lộ 1.

Trong nhiều ngày liên tiếp có mặt tại tỉnh lộ 427 cũng như QL1, PV Tạp chí GTVT đã ghi lại rất nhiều xe chở quá tải, xe cơi nới thành thùng ngang nhiên chạy trên đường mà không hề gặp phải sự kiểm tra xử lý của cơ quan chức năng nào.

Lái xe khi được hỏi, đều chung câu trả lời rằng: “không dễ gì để chở được quá tải mà các lực lượng chức năng không biết, nếu chạy được phải theo có lệnh bài”.

Vậy các xe quá tải đề cập tới vấn để “lệnh bài” nghĩa là gì, liên quan tới những lực lượng nào? Để xảy ra tình trạng xe quá tải, quá khổ hoạt động trên đê Hữu Hồng và các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ 1, qua địa bàn huyện Thường Tín trách nhiệm thuộc về ai? Câu hỏi này Tạp chí GTVT kính đề nghị các cơ quan chức năng TP. Hà Nội xác minh, làm rõ.

Được biết, các tuyến đường này thuộc sự quản lý bởi Đội CSGT số 8 (PC08, Công an TP. Hà Nội), Đội CSGT-TT, Đội TTGT huyện Thường Tín.

Biển báo hạn chế tải trọng được đặt trên đê "có cũng như không".

Biển báo hạn chế tải trọng được đặt trên đê "có cũng như không".

Tạp chí GTVT sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.

Tạp chí GTVT sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.

Lê Minh - Ngọc Thăng

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/hung-than-xe-qua-tai-tung-hoanh-de-song-hong-gong-minh-chong-do-d78777.html