Hùng vĩ Tây Bắc mời gọi du khách miệt vườn sông nước Cửu Long
Từ ngày 8 - 11/4, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai, Lai Châu, Phú Thọ, Điện Biên, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình) đã phối hợp tổ chức Tuần du lịch văn hóa Tây Bắc với chủ đề 'Hùng vĩ Tây Bắc' tại thành phố Cần Thơ. Tuần du lịch văn hóa Tây Bắc diễn ra nhiều hoạt động như: Ngày hội văn hóa du lịch Sa Pa với chương trình nghệ thuật 'Dệt tình Sa Pa'; Khu trưng bày xúc tiến quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch đặc trưng của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; Khai mạc Tuần du lịch văn hóa Tây Bắc với chương trình nghệ thuật chủ đề 'Hùng vĩ Tây Bắc'; Hội nghị xúc tiến du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng…
Phát biểu khai mạc Hội nghị xúc tiến du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai - Đại diện cho Trưởng nhóm hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng gồm: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ là miền đất hội tụ sự hùng vĩ về thiên nhiên, hào hùng về lịch sử, bản sắc văn hóa độc đáo, con người thân thiện mến khách, trong đó:
Hòa Bình - Vùng đất cổ, sơn thủy hữu tình. Có nhiều di tích lịch sử văn hóa. Mới đây Tri thức lịch đoi (lịch Tre) và lễ hội Khai Hạ của người Mường được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hòa Bình nằm ở cửa ngõ phía Tây Thủ đô Hà Nội, giữ vị trí đầu tiên để thực hiện kết nối tour du lịch “Vòng cung Tây Bắc”.
Sơn La - với nhiều danh lam thắng cảnh, kỳ thú, suối nước khoáng nóng, vùng hồ sông Đà, các di tích lịch sử - bảo tàng nhà tù Sơn La, cây đào Tô Hiệu, văn bia Lê Thánh Tông... Là cầu nối trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ để hợp tác du lịch với tỉnh Luông Pha Băng (CHDCND Lào).
Yên Bái Là cửa ngõ vùng Tây Bắc, nơi giao thoa của những nền văn hóa đa sắc tộc. Một vùng đất sơn thủy, hữu tình, bản sắc văn hóa phong phú, là những tiềm năng để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhiều điểm đến đã và đang được du khách yêu thích như: Du lịch hồ Thác Bà; Danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải…
Hà Giang mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, với những địa danh hùng vĩ như đỉnh Mã Pì Lèng, núi đôi Quản Bạ, hẻm vực Tu Sản; nơi đây có Công viên Địa chất toàn cầu duy nhất tại Việt Nam và thứ hai của Đông Nam Á được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu, thực sự trở thành “Nơi ước đến, chốn mong về” của mỗi du khách trong và ngoài nước.
Điện Biên: Là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc, có khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang, nơi đây nổi bật với hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ… có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú tạo thành những tiềm năng quan trọng để phát triển du lịch.
Phú Thọ: là mảnh đất cội nguồn của dân tộc “sơn chầu, thủy tụ”. Đền Hùng - nơi thờ tự các Vua Hùng trở thành nơi thờ cúng Tổ tiên, thể hiện sức mạnh, ý chí đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Phú Thọ có nhiều điều kiện phát triển du lịch tâm linh hướng về cội nguồn, du lịch di tích lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng…
Lai Châu: Miền đất biên cương Tây Bắc của Tổ quốc, nơi có đỉnh Pulaleng hùng vĩ, những lễ hội độc đáo của 20 dân tộc anh em. Vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, vẻ đẹp con người mộc mạc là tiềm năng, nguồn lực để xây dựng thành những sản phẩm du lịch đặc trưng riêng có của Lai Châu.
Lào Cai: Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, có núi tuyệt đỉnh – sông đầu nguồn; có khu du lịch quốc gia Sa Pa với hành trình 120 năm; nơi đây không chỉ được biết đến bởi đỉnh Fan Xi Pan (nóc nhà Đông Dương) mà du khách 5 Châu còn yêu quý đặt cho Sa Pa những tên gọi vừa thân thương vừa mỹ miều như: Miền đất có 5 mùa; Nơi gặp gỡ đất trời; Thành phố trong mây…
“Tây Bắc luôn là điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước. Và hôm nay, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng cùng với tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi xin được giới thiệu một phần rất khái lược những đặc trưng riêng có của mình… Và rất mong muốn quý du khách ở thành phố Cần Thơ và khu vực miền Tây, Đồng bằng sông Cửu Long hãy sớm đến với Tây Bắc để trải nghiệm, khám phá...
8 tỉnh Tây Bắc đã kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và hôm nay tiếp tục mong muốn kết nối với Cần Thơ và các địa phương trong vùng để Tây Bắc và Tây Nam gần lại, cùng nhau nối vòng tay lớn, liên kết, khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế để du lịch của hai miền cùng cất cánh” - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai Hà Văn Thắng chia sẻ.
Tại thành phố Cần Thơ nơi diễn ra Tuần du lịch văn hóa Tây Bắc, đã được nhiều người dân đô thị miền sông nước Cần Thơ đến tham quan hình ảnh trưng bày và thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc của Tây Bắc. Tại Hội nghị xúc tiến du lịch Tây Bắc mở rộng, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng: “Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích 40.000km2, dân số gần 18 triệu người. Đây là vùng đất với sự đa dạng sinh học với các khu rừng nguyên sinh, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên, đất ngập nước, núi, rừng, sông, suối, biển đảo… Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vùng trọng điểm sản xuất lương thực quốc gia, trái cây, nuôi trồng đánh bắt thủy, hải sản mà còn là một trong vùng du lịch trọng điểm cả nước.
Năm 2022, thành phố Cần Thơ đón hơn 5,1 triệu lượt khách tham quan, tăng 142% so với cùng kỳ, đạt 128% kế hoạch năm. Các doanh nghiệp lưu trú phục vụ hơn 2,5 triệu lượt, tăng 179% so với cùng kỳ, đạt 125% kế hoạch năm. Tổng doanh thu du lịch 4.117 tỷ đồng, gấp 02 lần so với cùng kỳ.
Mục tiêu đến năm 2025, ngành Du lịch thành phố Cần Thơ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng đa dạng, sức cạnh tranh cao, điểm đến hấp dẫn trong khu vực và cả nước.
Hội nghị hôm nay là dịp rất thuận lợi để các địa phương, nhà đầu tư, các doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ du lịch giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phát triển du lịch. Đồng thời, tạo mối quan hệ hợp tác, đẩy mạnh kết nối, xúc tiến phát triển du lịch giữa thành phố Cần Thơ nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung với các tỉnh Tây Bắc”.