Hưng Yên coi trọng nông nghiệp công nghệ cao
Giai đoạn 2016 - 2020, Hưng Yên đã gặt hái nhiều thành công trong xây dựng nông thôn mới, là 1 trong 8 tỉnh đầu tiên của cả nước có 100% số xã sớm đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2019.
Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, nỗ lực tự cân đối thu chi ngân sách, hoàn thành tiêu chí tỉnh nông thôn mới, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội cải thiện đời sống nhân dân...
Đây là những điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016 - 2020, tạo đà cho những bước đi tiếp theo trong giai đoạn mới.
Chuyển đổi hạ tầng đô thị và công nghiệp
Trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, một trong những nét nổi bật trong phát triển kinh tế của tỉnh Hưng Yên là đã lọt top các tỉnh làm tốt công tác tự cân đối thu chi ngân sách. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã điều tiết 7% về Trung ương. Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân đạt gần 13%/năm; tổng thu ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 đạt hơn 65.000 tỷ đồng.
Riêng năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19, Hưng Yên đã hoàn thành mục tiêu "kép": vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nửa đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 6,8%, đứng thứ 2 các tỉnh đồng bằng sông Hồng và thứ 4 toàn quốc. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,38%/năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng cho biết, cùng với những kết quả trên, trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thực hiện thành công 2 khâu đột phá quan trọng gồm: tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, hiện đại; đồng thời huy động các nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị, nhất là xây dựng giao thông.
Ngoài ra, cơ cấu thu hút đầu tư của Hưng Yên đã có sự chuyển dịch tích cực, tập trung vào dự án sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài như: các khu công nghiệp Thăng Long II (Sumitomo), Phố Nối A, Phố Nối B, Yên Mỹ, các cụm công nghiệp làng nghề phát triển mạnh. Trên cơ sở đó tạo thuận lợi tăng thu ngân sách, tập trung ở các huyện dọc tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng gồm: Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, và Văn Giang.
Trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có thêm 13 cụm công nghiệp, với diện tích 660 ha; nâng tổng số 24 cụm công nghiệp, với tổng diện tích trên 1.300 ha; thu hút 535 dự án đầu tư và trên 600 cơ sở sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, tỉnh đã hình thành được Khu công nghiệp và đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt, với diện tích quy hoạch khoảng 3.000 ha.
Tại Hưng Yên, hệ thống hạ tầng giao thông cũng là một điểm sáng, với mức đầu tư với hơn 1.000 km đường trong toàn tỉnh. Cầu Hưng Hà và tuyến đường nối 2 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình đi vào hoạt động là huyết mạch quan trọng kết nối Hưng Yên với các vùng kinh tế trọng điểm trong khu vực.
Cùng đó là hàng loạt công trình trọng điểm đưa vào sử dụng, tạo ra mang lưới giao thông thuận tiện gồm: quốc lộ 38, đê tả sông Luộc, cầu La Tiến, các tuyến đường nối quốc lộ 39 với đường đê sông Hồng, đường trục Bắc Nam. Bên cạnh đó còn có các dự án như: nâng cấp các sông trục thuộc hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, nạo vét sông Điện Biên, sông Đồng Quê - Cửu An; xây mới 27 trạm bơm, nâng cấp, sửa chữa trên 400 km kênh mương, nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Để tạo diện mạo mới cho công cuộc hiện đại hóa, Hưng Yên đã tích cực triển khai các đề án phát triển đô thị; trong đó, tỷ lệ đô thị hóa đạt 41%. Huyện Mỹ Hào được công nhận là thị xã; thành phố Hưng Yên đạt tiêu chí đô thị loại 2. Tỉnh đang tiếp tục chương trình phát triển đô thị ở các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm; song song đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa gắn với Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến.
Khởi sắc từ nông nghiệp, nông thôn
Giai đoạn 2016 - 2020, Hưng Yên đã gặt hái nhiều thành công trong xây dựng nông thôn mới, là 1 trong 8 tỉnh đầu tiên của cả nước có 100% số xã sớm đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2019.
Hiện nay, 10/10 đơn vị cấp huyện hoàn thành và đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí tỉnh nông thôn mới cũng đã hoàn thành và đang chờ Chính phủ phê duyệt. Riêng năm 2020, toàn tỉnh có 28 xã hoàn thanh tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Về sản xuất nông nghiệp, Hưng Yên đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, coi trọng nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh chuyển đổi 9.700 ha trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây hàng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung theo mô hình VietGAP, phát triển giống bò lai Braman và gà Đông Tảo. Cây trồng có giá trị được mở rộng như lúa lai, nếp thơm Hưng Yên mang lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao Theo đó, giá trị thu được bình quân trên 1 ha canh tác đạt 210 triệu đồng/năm,
Hưng Yên đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng vật nuôi giá trị cao để xuất khẩu như: phát triển cây nhãn lồng đặc sản ở các huyện Tiên Lữ, thành phố Hưng Yên, nhãn muộn Khoái Châu, nâng cao giá trị cây vải trứng ở huyện Phù Cừ, Ân Thi; duy trì hoa cây cảnh ở Văn Giang; dưa lưới, cam, bưởi quýt ở Phù Cừ, Yên Mỹ, Khoái Châu, Văn Giang; ổn định diện tích chuối tiêu hồng ở các huyện Kim Động, Khoái Châu....
Tỉnh cũng khuyến khích phát triển sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; phát triển chăn nuôi và trồng trọt an toàn sinh học theo hướng VietGAP, đã hoàn thành xây dựng nhãn hiệu cho hơn 20 sản phẩm đặc sản của địa phương như: tương Bần, nhãn lồng, gà Đông Tảo, quất cảnh Văn Giang, cam Hưng Yên, chuối tiêu hồng Khoái Châu, vải trứng Hưng Yên, mật ong hoa nhãn...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến việc gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường cho nông sản. Hàng năm, tỉnh tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu, kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hóa cấp tỉnh, cấp khu vực và tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế; duy trì thường niên lễ hội nhãn lồng Hưng Yên, lễ hội cam Hưng Yên, lễ hội hoa cây cảnh Văn Giang...
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng khẳng định, những điểm sáng trong bức tranh kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 với hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị đồng bộ, sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo nền tảng vững chắc để Hưng Yên vươn lên trong chặng đường tiếp theo./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hung-yen-coi-trong-nong-nghiep-cong-nghe-cao/175657.html