Hưng Yên: Nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề
Ngày 28.2, tại huyện Khoái Châu, Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên đã tổ chức Hội nghị giao ban giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thị, thành lần thứ 6, nhiệm kỳ 2021-2026.
Hội nghị với chủ đề “Nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề, nhất là giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND”, do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Xuân Tiến; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Thị Tuyết Hương đồng chủ trì.
Tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức hoạt động
Báo cáo tóm tắtkết quả hoạt động của Thường trực HĐND cấp tỉnh, huyện năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024; nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 do Phó Chủ HĐND tỉnh Trần Thị Tuyết Hương trình bày nhấn mạnh: Thời gian qua, phương thức tổ chức hoạt động của Thường trực HĐND các cấp linh hoạt, không ngừng được đổi mới.
Phó Chủ HĐND tỉnh Trần Thị Tuyết Hương trình bày tóm tắt Báo cáo tóm tắtkết quả hoạt động của Thường trực cấp tỉnh, huyện năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Nổi bật trong năm 2023, Thường trực, các Ban HĐND cấp tỉnh, huyện đã tích cực, trách nhiệm trong giám sát, đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công. Qua đó, tổng số vốn giải ngân của các công trình, dự án do tỉnh quản lý (tính đến ngày 31.1.2024, theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh) đạt 111,7% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 89,7% chỉ tiêu địa phương giao.
HĐND tỉnh đã tổ chức thành công việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu, nhiệm kỳ 2021 - 2026, là địa phương tổ chức lấy phiếu tín nhiệm sớm nhất cả nước. Kết quả mức độ tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu ở cả 2 cấp khá cao, không có trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có mức độ tín nhiệm thấp trên 50%. Ngoài 2 kỳ họp thường lệ, Thường trực HĐND cấp tỉnh, huyện đã tổ chức thành công 27 kỳ họp không thường lệ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng chỉ rõ hoạt động của Thường trực HĐND 2 cấp còn tồn tại, hạn chế một số mặt như: Hoạt động chất vấn đã có chuyển biến, đổi mới song ở một số địa phương các ý kiến chất vấn, tranh luận, phản biện tại kỳ họp và thảo luận tổ chưa nhiều; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri có việc chưa quyết liệt; một số nội dung thẩm tra của các Ban HĐND chất lượng chưa cao...
Các cuộc “tái giám sát” còn ít
Báo cáo đề dẫn tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Xuân Tiến nhấn mạnh:Những năm gần đây, chất lượng các cuộc giám sát chuyên đề của Thường trực, các Ban HĐND được nâng lên đáng kể. Việc lựa chọn chuyên đề giám sát đã sát hơn, phù hợp hơn với tình hình thực tiễn; quy trình và cách thức tổ chức giám sát chuyên đề dần bài bản, khoa học…
Tuy nhiên, phương pháp giám sát còn bất cập, giám sát ở cơ sở chủ yếu nghe trình bày báo cáo; số lượng các cuộc "tái giám sát” còn ít; một số kiến nghị sau giám sát chưa được các cơ quan có trách nhiệm giải quyết kịp thời.
Từ thực tế trên, để từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm cũng như nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề, nhất là ở khâu “tái giám sát”, Thường trực HĐND tỉnh đã lựa chọn chủ đề trao đổi kinh nghiệm “Nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề; nhất là giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND”…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hoạt động giám sát. Đồng thời, từ kinh nghiệm thực tiễn đề xuất các giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề, nhất là giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Trong đó,chú trọng lựa chọn chuyên đề giám sát phù hợp; quan tâm tham vấn và mời chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực tham gia đoàn giám sát; chú trọng xây dựng đề cương giám sát; khi tiến hành giám sát chuyên đề, chú trọng phát hiện “độ vênh” giữa báo cáo và thực tiễn; chú trọng giám sát bằng hình ảnh. Ban hành kết luận giám sát chuẩn xác, rõ ràng, cụ thể, trọng tâm. Đặc biệt, cần coi trọng khâu “hậu giám sát” và có chế tài phù hợp đối với các cơ quan, đơn vị “coi nhẹ” hoặc cố tình không thực hiện các kết luân, kiến nghị của đoàn giám sát…
Quyết liệt đi đến cùng các kết luận, kiến nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản đề nghị Thường trực, các Ban HĐND tỉnh, Thường trực HĐND các huyện, thị, thành nỗ lực cao hơn, trách nhiệm lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để thực hiện tốt các nhiện vụ đã đề ra. Trong đó, tiếp tục bám sát quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa, tổ chức tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh, các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp huyện để cụ thể hóa, thể chế hóa thành Chương trình, Kế hoạch, Đề án, Nghị quyết của HĐND trong từng lĩnh vực; thực hiện nghiêm túc và theo dõi, đánh giá có hệ thống việc chấp hành các quy định, quy chế làm việc của Thường trực, các Ban HĐND 2 cấp; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới công tác chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp, phát huy tính chủ động của các Ban HĐND trong phản biện, thể hiện quan điểm, chính kiến và đề xuất phương án xử lý đối với những nội dung còn ý kiến khác nhau, làm cơ sở để HĐND thảo luận, quyết nghị thông qua nghị quyết. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền tạo đồng thuận trong xã hội; chỉ đạo tổng hợp, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị cử tri; các Ban HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh nghiên cứu tham mưu Thường trực HĐND tỉnh xây dựng dữ liệu tổng hợp kết quả kiến nghị cử tri ở cả 3 cấp chính quyền địa phương và thực hiện công khai minh bạch các dữ liệu kịp thời.
Đối với chủ đề của hội nghị giao ban, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản đề nghị: Cần chú trọng khâu lựa chọn chuyên đề giám sát phù hợp, chỉ nên lựa chọn một số vấn đề trọng tâm, có nhiều bất cập, đã và đang được dư luận quan tâm, tránh dàn trải, giám sát không sâu. Theo đó, Đoàn giám sát có thể mời chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực tham gia giám sát; rà soát kỹ trước khi ban hành kế hoạch giám sát để tránh trùng chéo về thời gian, đơn vị, địa bàn và không gây phiền hà, xáo trộn hoạt động của cơ quan, đơn vị chịu giám sát.
Khi giám sát chuyên đề, vấn đề quan trọng nhất là phải phát hiện “độ vênh” giữa báo cáo và thực tiễn, những bất cập từ cơ sở - đây sẽ là căn cứ để đoàn giám sát yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước giải trình, làm rõ trong buổi làm việc. Việc ban hành kết luận, kiến nghị sau giám sát phải chuẩn xác, rõ ràng, cụ thể, trọng tâm sẽ giúp cho đơn vị chịu sự giám sát giải quyết nhanh chóng, kịp thời các tồn tại, vướng mắc; người theo dõi việc thực hiện cũng dễ dàng đánh giá, nắm bắt tình hình.
"Cần coi trọng việc theo dõi, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện kết luận sau giám sát. “Đặc biệt, đối với những vấn đề sau giám sát còn nhiều vướng mắc, chưa được các ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ, giải quyết dứt điểm thì đưa ra giải trình, chất vấn tại phiên họp giải trình, chất vấn của Thường trực HĐND hoặc phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND” - Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản nhấn mạnh.