Hưng Yên: Nhiều dự án nghi dùng 'cát tặc' để san lấp mặt bằng?

Qua kiểm tra 8 dự án khu đô thị, khu công nghiệp, công trình đường giao thông tại tỉnh Hưng Yên, Thanh tra Chính phủ phát hiện hơn 11 triệu m3 cát được dùng để san lấp có nguồn gốc không rõ ràng, có căn cứ nghi ngờ một phần cát này là cát tặc.

Hưng Yên để 'cát tặc' lộng hành nhiều năm. Ảnh: TL

Bài liên quan

UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo xử lí vụ Công ty Hoàng Anh “ăn cắp” đất phù sa!

Hưng Yên: Điểm mặt những doanh nghiệp "coi thường" pháp luật tại huyện Yên Mỹ

Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận thanh tra về việc thực hiện quy hoạch, xây dựng trung tâm thương mại, chuyển đổi chợ và việc chấp hành quy đinh pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại tỉnh Hưng Yên, thời kỳ 2011-2018

Theo KLTT, việc kiểm soát nguồn gốc cát tại một số dự án sử dụng cát để san lấp trên địa bàn tỉnh, TTCP phát hiện hơn 11 triệu m3 cát được dùng để san lấp có nguồn gốc không rõ ràng, có căn cứ nghi ngờ một phần cát này là cát tặc.

Cụ thể, kiểm tra 8 dự án Khu đô thị, Khu công nghiệp, công trình đường giao thông, trong thời gian từ 2011-2018, có tổng khối lượng cát đã được sử dụng để san lấp là khoảng 14,5 triệu m3.

Trong khi đó, tổng khối lượng cát kê khai nộp thuế của toàn bộ 12/12 dự án khai thác cát được cấp phép là 3,449 triệu m3. Như vậy, khối lượng thực cát kê khai của các dự án có Giấy phép chỉ đạt 23,7% so với nhu cầu cát đã được sử dụng tại 8 dự án. Do đó, khối lượng cát còn lại rất lớn hơn 11 triệu m3 đã được sử dụng san lấp; khối lượng cát này được nhiều Công ty, cá nhân tại tỉnh Hưng Yên và một số doanh nghiệp từ các địa phương khác cung cấp, có căn cứ nghi ngờ một phần cát này là cát tặc.

Theo TTCP, do điều kiện thời gian, Thanh tra Chính phủ chưa xác minh cụ thể, chi tiết về nguồn gốc cát, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường liên quan, UBND tỉnh Hưng Yên cần có kế hoạch thanh tra việc sử dụng cát tại một số dự án Khu đô thị, Khu công nghiệp, công trình đường giao thông... để rà soát, chấn chỉnh về vấn đề này.

Trong danh sách ít nhất 35 doanh nghiệp, cá nhân cung cấp khối lượng cát cho 08 dự án nêu trên, chỉ có một đơn vị có Giấy phép khai thác cát được UBND tỉnh Hưng Yên cấp, các doanh nghiệp, cá nhân còn lại đều không có giấy phép khai thác mà thực hiện việc thu mua từ nhiều doanh nghiệp, thu mua từ các cá nhân, bến bãi khác trong và ngoài tỉnh Hưng Yên.

Ngoài ra, qua xác minh cho thấy còn có khối lượng cát được thu mua, gom trong thời gian dài tại các tàu, thuyền trôi nổi trên sông Hồng (ví dụ: Khối lượng 286.601m3 cát san lấp tại dự án Khu nhà ở Lạc Hồng Phúc, do ông Nguyễn Tiến Mạnh cung cấp và 243.550 m3 cát tại dự án đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình của Doanh nghiệp TN XD&TM Mạnh Hùng).

"Như vậy, khối lượng cát cung cấp tại các dự án san lắp trên địa bàn tỉnh, được các nhà cung cấp thu mua từ rất nhiều nguồn khác nhau, từ nhiều bến bãi tập kết, kinh doanh cát trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và các tỉnh lân cận. Việc thu mua, gom cát được thực hiện trong thời gian dài, qua nhiều chủ, trong đó có việc mua gom từ các tàu thuyền không có địa chỉ, số hiệu hoạt động trên sông Hồng, do đó khối lượng cát lớn đã được cung cấp sử dụng san lấp nhưng rất khó khăn trong việc xác định nguồn gốc cát để thực hiện truy thu thuế, phí.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hung-yen-nhieu-du-an-nghi-dung-cat-tac-de-san-lap-mat-bang-post126408.html