Hưng Yên: Phát triển Khoa học công nghệ đi vào chiều sâu

Xác định Khoa học, Công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo là nhân tố đồng hành, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Hưng Yên tăng cường các hoạt động KHCN, phát triển đúng định hướng và đi vào chiều sâu.

Giai đoạn qua, hoạt động khoa học công nghệ luôn được đặt ra là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KT-XH của tỉnh Hưng Yên. Qua các hoạt động đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ, năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng được nâng cao, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp gia công, sản xuất thô đang giảm dần, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghiệp xanh gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái ngày càng được quan tâm và phát triển đã mang lại giá trị gia tăng ngày càng cao.

Năm qua, Sở KHCN Hưng Yên tham gia ý kiến về công nghệ cho 38 dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh; tổ chức 03 hội đồng đánh giá công nghệ dự án đầu tư; 04 hội thảo giới thiệu các công nghệ trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi, phát triển công nghệ ngành may, ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, qua đó đã giới thiệu, phổ biến 50 kết quả nghiên cứu, giải pháp mới có tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn cho gần 500 tổ chức, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2023, công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ của tỉnh Hưng Yên tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh, đạt được nhiều kết quả tích cực, thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, chủ lực.

Năm 2023, Sở KHCN Hưng Yên đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước cho 05 đơn vị và 01 cá nhân với 24 nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp. Sở tăng cường công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu cho thương hiệu “Long nhãn Hưng Yên”, “Vải trứng Hưng Yên”, “Sen Hưng Yên” và 60 giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hưng Yên” cho sản phẩm nhãn lồng. Đến hết năm, tỉnh Hưng Yên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ cho 01 giải pháp hữu ích; 38 kiểu dáng công nghiệp; 419 nhãn hiệu.

Ngoài ra, Sở cũng quan tâm, chú trọng đến công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Năm 2023, Sở đã tiến hành 10 cuộc thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và ghi nhãn hành hóa tại 148 cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ điện, điện tử, vàng bạc, xăng dầu,… ; 02 cuộc kiểm tra về hoạt động áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo Tiêu chuẩn ISO 9001 tại 60 cơ quan hành chính nhà nước (UBND cấp xã) trên địa bàn tỉnh; tổ chức khảo sát chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường tại 38 đơn vị kinh doanh xăng, dầu, điện – điện tử; tiến hành 10 cuộc thanh tra thuộc các lĩnh vực tại 80 cơ sở.

Thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra, khảo sát trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần ổn định và nâng cao nhận thức về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, phòng ngừa, phát hiện và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động quản lý Nhà nước.

Với những thành tựu đã được, Ngành KHCN Hưng Yên đã có những đóng góp quan trọng trong thực hiện các khâu đột phá, giải quyết những vấn đề trọng tâm của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chú trọng tăng tỉ trọng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, bền vững và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 của tỉnh Hưng Yên xếp hạng 18/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả đánh giá, xếp loại các chỉ số của Sở KHCN năm 2023 đều xếp ở thứ hạng cao trong khối các sở, ngành của tỉnh: (1) Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) xếp thứ 4/16 khối sở, ngành tỉnh, đạt loại khá; (2) Chỉ số CCHC (PAR - index) xếp thứ 2/20, đạt loại xuất sắc; (3) Chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của sở, ngành tỉnh (SIPAS) đứng thứ 10/17; (4) Chỉ số (PAPI) xếp thứ 5/22, đạt loại tốt; (5) Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở (DDCI) xếp thứ 4/18, đạt loại tốt; (6) Kết quả thực hiện công tác dân vận chính quyền đối với các sở, ban, ngành tỉnh xếp thứ 4/20; (7) Chỉ số đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện các chỉ số cải cách nền hành chính đứng thứ 4/26, đạt loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đóng góp của hoạt động khoa học công nghệ cho tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh thông qua tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2015-2021 bình quân đạt 53,23% và vượt mục tiêu Nghị quyết số 20-NQ/TW đề ra (Đến năm 2020, thông qua yếu tố năng suất tổng hợp TFP, hoạt động khoa học công nghệ đóng góp khoảng 35% tăng trưởng kinh tế), cao hơn bình quân cả nước giai đoạn 2016-2020 đạt 45,57%.

Phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập ngành KHCN (1959-2024)

Ông Trần Tùng Chuẩn - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hưng Yên trao Giấy khen của Sở cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý nhà nước về KH&CN

Ông Trần Tùng Chuẩn - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hưng Yên trao Giấy khen của Sở cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý nhà nước về KH&CN

Năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 65 năm thành lập ngành khoa học công nghệ (1959-2024), toàn ngành KHCN Hưng Yên ra sức thi đua, lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và của ngành.

Trong năm nay, UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt thực hiện 42 nhiệm vụ khoa học công nghệ, khuyến khích, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ, tổ chức khoa học công nghệ tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo (năm 2024 đã huy động nguồn lực xã hội cho nghiên cứu khoa học tăng 16,2 tỷ đồng so với năm 2023).

Để hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra, Sở KHCN Hưng Yên tiếp tục tăng cường hoạt động quản lý nhà nước; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030; triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; thực hiện hiệu quả Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh việc đăng ký bảo hộ đối với các giống cây trồng và nhãn hiệu cộng đồng mang tên địa danh cho các sản phẩm đặc thù, sản phẩm được chứng nhận OCOP của tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ, tham gia hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị trong và ngoài nước.

Toàn ngành tập trung thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo để KHCN phục vụ trực tiếp phát triển KT-XH, qua đó tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số./.

Minh Huế

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/hung-yen--phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-di-vao-chieu-sau-122094.htm