Hưng Yên tạo đột phá trong tăng trưởng kinh tế
Tỉnh tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động nguồn lực phát triển, tạo đà thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững hơn.
Tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 23, diễn ra ngày 30/6, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh, tỉnh tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động nguồn lực phát triển, tạo đà thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững hơn.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa, trong nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế tiếp tục được thể chế hóa và triển khai đồng bộ cùng các nhiệm vụ trọng tâm. Hưng Yên đã tập trung chỉ đạo, cụ thể hóa triển khai 3 khâu đột phá, 19 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế xã hội cơ bản đạt kết quả khả quan; trong đó, có 15 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch.
Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên giải quyết 6 thách thức lớn trong quá trình phát triển tỉnh. Điểm nhấn là nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cải thiện chỉ số CPI, việc thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm, kịp thời tháo gỡ khó khăn điểm nghẽn trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án tại các huyện Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ...
Theo đó, kinh tế của tỉnh phục hồi và phát triển nhanh, tăng trưởng khá so với mức bình quân chung của cả nước. Từ năm 2020 đến tháng 6/2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9,3%. Giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 6/2023 đã giải phóng mặt bằng được gần 2.000 ha đất để triển khai các dự án đầu tư trọng điểm; tổng thu ngân sách đạt hơn 86 nghìn tỉ đồng, trong đó thu nội địa chiếm gần 80%. Đến nay, toàn tỉnh có 98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Về kết cấu hạ tầng, tỉnh đã hoàn thành xây dựng phương án quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Chính phủ phê duyệt. Trên địa bàn tỉnh cũng đã phê duyệt quy hoạch đô thị Văn Giang, quy hoạch chung thị xã Mỹ Hào, quy hoạch hai bên tuyến đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình. Hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ só phát triển ổn định; hạ tầng đô thị phát triển vượt bậc với tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 43%.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên Trần Quốc Toản cho biết, từ nay đến năm 2025, tỉnh Hưng Yên tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, huy động nguồn lực phát triển; đồng thời, chú trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số; lấy công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm trụ cột của phát triển kinh tế.
Cùng với đó, tỉnh tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng đồng bộ, tổng thể; tiếp tục hình thành các khu, cụm công nghiệp ở các huyện Ân Thi, Khoái Châu, Kim Động, Yên Mỹ, Văn Lâm, thị xã Mỹ Hào; đồng thời, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, đô thị, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở các huyện Văn Giang, Tiên Lữ, Phù Cừ, Ân Thi...
Mặt khác, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, gồm các chương trình: phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển giao thông, vận tải. Cùng đó, tỉnh tập trung triển khai, hoàn thành đầu tư các dự án lớn, có tính lan tỏa, kết nối vùng như dự án đường vành đai 4, đường vành đai 3,5 và các dự án: "Xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng"; "Xây dựng tuyến đường ĐT.384B (đoạn từ nút giao với tuyến đường bộ nối hai đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) giao đến đường ĐT.378.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, đưa ra phương hướng nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với yêu cầu tình hình mới như: đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến thu hút đầu tư; triển khai chương trình phát triển giao thông trọng điểm, xây dựng đô thị sinh thái thông minh; thực hiện có hiệu quả chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tập trung nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và tổng thể, hướng tới hình thành các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện đại, phấn đấu đưa Hưng Yên trở thành tỉnh có công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hung-yen-tao-dot-pha-trong-tang-truong-kinh-te/297613.html