Hưng Yên tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư
Những năm qua, hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả. Các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh không ngừng tăng về số lượng và vốn đăng ký, góp phần thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, lao động, việc làm và thu ngân sách địa phương.
KCN Thăng Long II được đánh giá là KCN kiểu mẫu của cả nước
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, khi tái lập (năm 1997), trên địa bàn tỉnh chỉ có 5 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp giấy phép đầu tư và 2 dự án đầu tư tỉnh ngoài được phê duyệt với tổng vốn đầu tư 61,43 triệu USD và 35 tỷ đồng, có 2 dự án triển khai thực hiện và bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Xác định thu hút đầu tư là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu ngân sách và tạo việc làm cho người lao động, tỉnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và định hướng cho từng giai đoạn. Trong đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định "Tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghệ cao, công nghiệp có giá trị tăng cao, hiện đại” là một trong ba khâu đột phá chiến lược để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quán triệt, thống nhất, tập trung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp. Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư, tiếp nhận chọn lọc, ưu tiên các dự án đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, tiến độ triển khai nhanh, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và đóng góp nhiều cho ngân sách. Công tác thu hút, tiếp nhận có chọn lựa các dự án đầu tư đã hướng mạnh vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch; cơ bản dừng tiếp nhận dự án sản xuất rời lẻ ở ngoài khu công nghiệp. Định kỳ tổ chức hội nghị gặp mặt nhà đầu tư, doanh nghiệp để nắm bắt và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc; công khai, minh bạch những cơ chế, chính sách ưu đãi, những dự án ưu tiên đầu tư trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ngành. Huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và đô thị, nhất là xây dựng hạ tầng giao thông và các công trình trọng điểm, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hài lòng của người dân (PAPI)…
Bằng những giải pháp đồng bộ, thiết thực trong thu hút đầu tư, đến tháng 9.2021, trên địa bàn tỉnh có 2.022 dự án còn hiệu lực, gồm 1.532 dự án trong nước, 490 dự án nước ngoài, tổng vốn đăng ký 225.955 tỷ đồng và 5.633 triệu USD. Đã có 1.444 dự án đang hoạt động, chiếm 71,4% tổng số dự án; 142 dự án đang xây dựng; 436 dự án đang triển khai. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn, thân thiện với môi trường, tạo việc làm cho nhiều lao động và đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh đã đi vào hoạt động hoặc đang được triển khai thực hiện. Trong đó, ngày 31.3.2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 515/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị Đại An. Dự án có quy mô khoảng 293,96ha thuộc địa bàn xã Tân Quang, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm) và xã Nghĩa Trụ (Văn Giang); vốn đầu tư thực hiện dự án khoảng 32.661 tỷ đồng. Mục tiêu dự án là xây dựng một khu đô thị kiểu mẫu, văn minh, hiện đại, đa dạng về sản phẩm nhà ở, thương mại, dịch vụ thân thiện với môi trường; xây dựng môi trường sống, làm việc lý tưởng cho người dân; tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội và động lực phát triển đô thị Văn Giang, Văn Lâm; khớp nối đồng bộ, bền vững hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp với đồ án quy hoạch và các dự án đầu tư đã, đang triển khai tại khu vực, kết nối không gian kiến trúc cảnh quan tạo ra sự hài hòa và đặc trưng về kiến trúc cho khu vực. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị sinh thái Dream City, huyện Văn Giang. Theo phê duyệt, mục tiêu dự án nhằm xây dựng khu đô thị kiểu mẫu, văn minh, hiện đại, đa dạng về sản phẩm nhà ở, thương mại dịch vụ; tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội và động lực phát triển đô thị Văn Giang theo tiêu chí đô thị loại II… Dự án thuộc địa bàn xã Long Hưng và xã Nghĩa Trụ (Văn Giang) với diện tích khoảng 445,4ha, dân số dự kiến 65.000 người. Dự án Dream City có tổng mức đầu tư 37.994 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 15% tổng vốn đầu tư, 85% còn lại là vốn vay và vốn huy động. Hiện nay, 2 dự án này đang được triển khai thực hiện.
Với những chủ trương, chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thời gian qua là một trong những nhân tố quan trọng giúp Hưng Yên từ tỉnh không có khả năng cân đối về thu - chi, từ năm 2017 đến nay đã trở thành tỉnh tự cân đối thu - chi, một phần điều tiết về Trung ương.