Hưng Yên thu hút các dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao
Với nhiều lợi thế, tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, Hưng Yên đã và đang chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư trong các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Thực hiện Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch. Trong đó có việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trên địa bàn tỉnh, kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 5/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế,.v.v…
Trong Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tỉnh đề ra là “Phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp nền tảng; công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, phát thải cacbon thấp. Tập trung xây dựng, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đồng bộ, hiện đại; ưu tiên phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; hình thành các khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ”.
Thời gian qua, Hưng Yên đã có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn. Từ năm 2019 đến hết tháng 10/2024, tỉnh Hưng Yên đã thu hút được 222 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2.394 triệu USD.
Lũy kế đến hết tháng 10/2024, tổng số dự án còn liệu lực trên địa bàn tỉnh là 2.320 dự án. Trong đó, có 592 dự án nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 7,73 tỷ USD và 1.728 dự án trong nước, tổng số vốn đầu tư đăng ký là 345.323 tỷ đồng.
Cho đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó Nhật Bản là quốc gia có số dự án và vốn đầu tư lớn nhất với 176 dự án, chiếm 30% về số dự án và 3,82 tỷ USD, chiếm 50% về tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là Trung Quốc với 155 dự án, chiếm 26,5% về số dự án và 1,192 tỷ USD, chiếm 15,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hàn Quốc đứng thứ 3 với 155 dự án, chiếm 26,5% về số dự án và 811 triệu USD, chiếm 10,6 % tổng vốn đầu tư đăng ký. Còn lại là các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Anh, Đức,.v.v…
Trong đó có nhiều nhà đầu tư là các tập đoàn kinh tế lớn như: Huyndai, Inax, Dorco, Canon, ToTo,v.v…Các dự án đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho khoảng 83.000 lao động, đóng góp vào ngân sách của địa phương khoảng 3.000 tỷ đồng/năm.
Mới đây, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương về kết quả triển khai Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên cho biết, trước năm 2019, thu hút của tỉnh rất khiêm tốn, hiệu quả đạt thấp. Từ khi có nghị quyết 50 của Bộ chính trị đã mở ra hướng đi mới cho tỉnh Hưng Yên tập trung phát triển các khu công nghiệp. Đến nay, Hưng Yên có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và tiếp nhận dự án đầu tư.
“Tỉnh Hưng Yên đã ban hành danh mục 17 ngành nghề và sản phẩm loại ra khỏi danh mục thu hút đầu tư. Định hướng của tỉnh Hưng Yên rất rõ ràng trong thu FDI đó là thu hút công nghệ cao, sản phẩm bán dẫn, linh kiện điện tử, viễn thông, hóa dược,v.v…”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, tỉnh đã luôn bám sát sự chỉ đạo của Trung ương để tập trung lãnh đạo thông qua việc ban hành các chương trình, đề án cụ thể với quyết tâm chính trị cao. Quan tâm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về hợp tác đầu tư. Trong phát triển kinh tế, Hưng Yên có chiến lược cụ thể là đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa và tăng cường thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.
Trong thời gian qua, Hưng Yên đã nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư dự án có chất lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Để đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư nước ngoài, tỉnh ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, viễn thông, năng lượng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở lưu trú cho các chuyên gia nước ngoài, nhà ở xã hội cũng như quan tâm chăm lo sự nghiệp y tế, giáo dục.
Những năm gần đây, tỉnh Hưng Yên đã phát triển khá nhanh, hình thành nhiều khu công nghiệp. Tỉnh đã có 12 khu công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích 3.123,38 ha. Trong đó, có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và tiếp nhận dự án đầu tư với tổng diện tích là 2.773,38 ha.
Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng yên, đến hết tháng 10/2024, trong các khu công nghiệp có 612 dự án đầu tư. Trong đó, có 345 dự án FDI với tổng vốn đầu tư vốn đăng ký khoảng 6,7 tỷ USD và 267 dự án DDI với tổng vốn đầu tư vốn đăng ký 43.818 tỷ đồng (tương đương với 8,9 tỷ USD). Tỷ lệ lấp đầy khoảng 56,6 %. Các dự án đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho khoảng 82.500 lao động, đóng góp ngân sách 10 tháng năm 2024 đạt khoảng 2.800 tỷ đồng .
Ông Nguyễn Tuân, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư khu công nghiệp Yên Mỹ, chủ đầu tư khu công nghiệp số 5 cho biết, các dự án được đầu tư tại khu công nghiệp chủ yếu là các doanh nghiệp điện tử, sản xuất phụ trợ cho các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, phù hợp với mục tiêu, định hướng thu hút đầu tư và phát triển của tỉnh Hưng Yên.
Được đặt trong khu công nghiệp số 5, khu công nghệ cao Đài Loan là nơi thu hút các chuỗi ngành sản xuất và cung ứng tập trung đầu tiên với tên gọi TICP của tỉnh Hưng Yên. Với diện tích gần 200 ha, đến nay, khu công nghiệp số 5 đã thu hút được 17 dự án đầu tư.
Theo quy hoạch tỉnh Hưng Yên, đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước.