Hungary có thể rời EU?

Cựu Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Hungary Andras Simor cho rằng việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) có thể sớm trở thành một giải pháp thay thế thực sự cho Hungary.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: Reuters

Giải pháp thay thế thực sự

Phát biểu trên kênh truyền hình ATV ngày 23-7, cựu Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Hungary Andras Simor tuyên bố việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) có thể sớm trở thành một giải pháp thay thế thực sự cho Hungary. Cựu quan chức khẳng định mặc dù việc rời khỏi khối theo kiểu Brexit là một kịch bản khó xảy ra những "không phải là không thể". "Xác suất đã tăng lên. Nếu năm ngoái là 10% thì đến giờ đã tăng lên 20%, 30%", ông Simor nhấn mạnh. Dẫn tỷ lệ lạm phát gia tăng của đất nước và việc EU giữ lại 30 tỷ USD tài trợ cho Budapest, ông Simor bày tỏ lo ngại "khả năng chính phủ Hungary sẽ đưa đất nước vào tình thế mà việc rút khỏi Liên minh châu Âu trở thành một giải pháp thực sự".

Không tìm được tiếng nói chung

Lâu nay Hungary và EU vẫn luôn không tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề di cư và cuộc xung đột ở Ukraine.

Đầu tháng này, lãnh đạo các quốc gia thành viên EU đã không đạt được sự đồng thuận về vấn đề di cư sau hai ngày họp thượng đỉnh. Ba Lan và Hungary tiếp tục phản đối đề xuất các nước EU có nghĩa vụ tiếp nhận người di cư nếu không sẽ phải đóng một khoản phí 20.000 EUR (21.826 USD) mỗi người di cư. Thủ tướng Hungary Viktor Orban phản đối đề xuất của EU về sửa đổi ngân sách liên quan đến người di cư, cho rằng kế hoạch được đề xuất không hợp lý. Các quan chức ở Brussels luôn "đau đầu" với các chính sách chống nhập cư cứng rắn của Thủ tướng Orban và cáo buộc nước này có các chính sách tư pháp và tự do truyền thông không phù hợp.

Căng thẳng giữa Budapest và EU cũng thể hiện ở việc Thủ tướng Hungary vẫn liên tiếp chỉ trích sự ủng hộ của khối đối với Ukraine. Ông Orban nhiều lần kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine, đồng thời cáo buộc "các quan chức ủng hộ chiến tranh ở Brussels" gây xung đột với Nga "làm tổn hại đến lợi ích của châu Âu".

Hôm 30-6, Thủ tướng Orban phản đối EU cấp thêm tiền cho Ukraine và phàn nàn về việc Budapest chưa nhận được khoản hỗ trợ Covid-19 từ liên minh. Lãnh đạo Hungary khẳng định gần như không có khả năng các nước thành viên EU sẽ chấp thuận kế hoạch tài chính của liên minh và "cuộc chiến trường kỳ" sẽ diễn ra. "Chúng tôi thấy thật lố bịch và vô lý khi phải đóng thêm tiền để trả nợ các khoản vay của EU trong khi chúng tôi chưa được nhận số tiền mình có quyền hưởng", ông Orban nói.

Chưa đầy một tuần sau đó, Hungary lên tiếng đe dọa chặn viện trợ EU gửi cho Ukraine. Trong cuộc họp báo ngày 4-7, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố nước này sẽ không đồng ý thông qua bất kỳ khoản viện trợ vũ khí bổ sung nào của EU cho Ukraine, trừ khi Kiev đưa Ngân hàng OTP của Hungary ra khỏi danh sách "tài trợ chiến tranh". "Sẽ tốt hơn nếu EU không đưa ra bất kỳ đề xuất viện trợ vũ khí nào nữa", ông Szijjarto nói. Ông Szijjarto cũng nói thêm rằng người Hungary "đang phải trả giá bằng một cuộc chiến mà họ không liên quan".

Xích lại gần Nga

Hungary là thành viên EU và NATO, song từ chối cung cấp bất cứ loại vũ khí hoặc thiết bị quân sự nào cho Ukraine sau khi chiến sự giữa nước này và Nga bùng phát hồi tháng 2-2022. Hungary nhiều lần chỉ trích các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga, cũng như tranh cãi với liên minh về các khoản hỗ trợ Ukraine.

Thủ tướng Orban cũng được đánh giá là lãnh đạo ủng hộ Nga nhất trong số 27 quốc gia thành viên EU. Bất chấp sức ép từ phương Tây, ông Orban vẫn từ chối thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Orban từng tuyên bố Hungary sẽ duy trì quan hệ kinh tế với Nga.

Chính phủ Hungary luôn tìm cách bảo vệ nguồn cung dầu và khí đốt của Nga trong khi các nước châu Âu khác đang nhắm đến việc cắt đứt nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga để trừng phạt điện Kremlin vì cuộc chiến ở Ukraine. Khi EU tung ra loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào lĩnh vực năng lượng Nga, Hungary đã yêu cầu được cấp quyền miễn trừ. Ông Orban đã vận động hành lang mạnh mẽ chống lại các biện pháp trừng phạt của EU đối với Moscow, cho rằng chúng đã dẫn đến giá năng lượng tăng vọt đang gây tổn hại cho các nền kinh tế châu Âu nhiều hơn là Nga.

Chính phủ Nga mới đây cũng đã phê duyệt khoản cho vay 10 tỷ EUR (10,2 tỷ USD) để Hungary xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Paks, hay còn được gọi là dự án Paks-II.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/hungary-co-the-roi-eu-post281008.html