Hungary mất hơn 1 tỷ euro từ EU vì vấn đề pháp quyền
Hungary đã chính thức mất quyền tiếp cận hơn 1 tỷ euro trong các quỹ của Liên minh châu Âu (EU) kể từ ngày 1/1.
Quyết định này được Brussels công bố và là hậu quả của một cuộc tranh cãi kéo dài liên quan đến việc vi phạm nguyên tắc pháp quyền. Đây là lần đầu tiên một quốc gia thành viên EU bị đình chỉ vĩnh viễn quyền tiếp cận quỹ tài trợ theo cơ chế "có điều kiện" được áp dụng từ năm 2020, nhằm xử lý các vi phạm pháp quyền trong nội bộ khối.
Theo cơ chế này, EU có thể đình chỉ tài trợ nếu các quốc gia thành viên không tuân thủ các nguyên tắc về minh bạch, kiểm soát chặt chẽ và quản lý công hiệu quả. Trong trường hợp của Hungary, vấn đề bắt đầu từ năm 2022 khi Brussels chính thức áp dụng cơ chế "có điều kiện" để xử lý các cáo buộc liên quan đến tham nhũng, xung đột lợi ích và việc thiếu minh bạch trong các quy trình mua sắm công. Mặc dù chính phủ Hungary đã thực hiện một số cải cách nhằm đáp ứng yêu cầu từ EU, như sửa đổi một số quy định về quản lý tài chính và minh bạch hóa quy trình công khai, các biện pháp này vẫn bị đánh giá là chưa đủ. Hệ quả là khoảng 19 tỷ euro trong các quỹ hỗ trợ của EU tiếp tục bị đóng băng, trong đó khoản 1,04 tỷ euro đầu tiên đã hết hạn vào cuối năm 2024 mà không được giải ngân, đồng nghĩa với việc Hungary mất quyền tiếp cận vĩnh viễn khoản tiền này.
Báo cáo Quy tắc pháp luật lần thứ năm của Ủy ban châu Âu, công bố vào tháng 7/2024 nêu rõ Hungary vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn dân chủ của EU. Brussels đã đặt hạn chót đến cuối năm 2024 để Hungary hoàn tất các cải cách, nếu không khoản tiền tiếp theo trị giá 1,1 tỷ euro cũng sẽ đối mặt nguy cơ bị thu hồi vào cuối năm 2025.
Phản ứng trước quyết định của EU, Thủ tướng Hungary Viktor Orban khẳng định rằng chính phủ của ông đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và tuyên bố sẽ kiên quyết bảo vệ quyền lợi của đất nước, coi khoản tiền này là "tài sản chính đáng" của Hungary. Ông Orban đồng thời cảnh báo rằng Hungary có thể phủ quyết ngân sách 7 năm tiếp theo của EU - áp dụng cho giai đoạn 2028-2035 - nếu Brussels không khôi phục quyền tiếp cận các quỹ bị đóng băng. Với quy định yêu cầu sự nhất trí từ cả 27 quốc gia thành viên để thông qua ngân sách, Hungary đã biến công cụ này thành một đòn bẩy nhằm gia tăng áp lực lên EU, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trong khi chờ đợi giải pháp từ EU, Hungary đã tìm đến các nguồn tài trợ thay thế nhằm lấp đầy khoảng trống tài chính. Năm 2024, Budapest đã vay 1 tỷ USD từ các ngân hàng Trung Quốc để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giao thông và năng lượng. Chính phủ Hungary cho biết sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc, đồng thời tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ quốc tế để giảm sự phụ thuộc vào các quỹ của EU.