Hungary phản đối EU muốn viện trợ thêm tiền cho Ukraine
Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 30/6 tuyên bố Budapest bác bỏ kế hoạch cấp thêm tiền cho Ukraine của Ủy ban châu Âu (EC), đồng thời nói rằng nước này không sẵn lòng đóng góp thêm tiền cho quỹ tài chính của liên minh.
Reuters đưa tin, phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU tại Brussels, Thủ tướng Viktor Orban mô tả việc EC đề nghị Hungary nên đóng góp nhiều tiền cho Ukraine yêu cầu "lố bịch", trong bối cảnh nước này và Ba Lan chưa nhận được tiền từ Quỹ phục hồi Covid-19 của EU.
“Chúng tôi thấy hoàn toàn lố bịch và vô lý khi phải đóng thêm nhiều tiền hơn để tài trợ cho chi phí trả các khoản vay của Liên minh châu Âu (EU), trong khi chúng tôi chưa được nhận số tiền mình có quyền hưởng”, Thủ tướng Orban nói.
Hungary và Ba Lan là hai thành viên EU duy nhất vẫn chưa nhận được khoản tiền trong Quỹ phục hồi, vì bị cáo buộc “chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc của hai quốc gia này làm tổn hại đến nền dân chủ và pháp quyền”.
Ông Orban cũng tuyên bố: “Hungary sẽ không viện trợ thêm tiền cho Ukraine cho đến khi họ nói rõ khoản tiền trị giá 70 triệu Euro (75 triệu USD) trước đó đã đi về đâu”.
Trong cuộc họp ngày 29/6, các lãnh đạo EU tuyên bố họ sẽ thực hiện các cam kết lâu dài để tăng cường an ninh của Kiev, khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi liên minh thực hiện vòng trừng phạt mới đối với Nga. Trước đó, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen hôm 20/6 thông báo EU sẽ cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ 50 tỷ Euro (54,3 tỷ USD) trong giai đoạn 2024 - 2027.
Nhà lãnh đạo Hungary khẳng định rằng gần như không có khả năng các quốc gia EU sẽ thông qua các kế hoạch tài chính này và “cuộc chiến trường kỳ” sẽ diễn ra.
Theo Reuters, ngân sách chung giai đoạn 2021-2027 của EU đang bị cạn kiệt do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine và khủng hoảng năng lượng. Tình trạng lạm phát và lãi suất tăng cao cũng làm tăng gấp đôi chi phí trả nợ của liên minh.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Hungary - quốc gia thành viên NATO và EU - đã từ chối viện trợ quân sự cho Ukraine, cũng như nhiều lần chỉ trích các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga. Budapest cho rằng các lệnh trừng phạt này đã không thể làm suy yếu Nga như mong đợi, ngược lại chúng có nguy cơ phá hủy nền kinh tế châu Âu.
Trong diễn biến mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 29/6 thông báo đã phê duyệt Khoản vay Chính sách phát triển phục hồi và cứu trợ Ukraine (DPL) trị giá 1,5 tỷ USD. Cùng ngày, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết đã hoàn thành đợt đánh giá đợt đầu tiên về chương trình cho vay trị giá 15,6 tỷ USD dành cho Ukraine, cho phép Kiev có thể ngay lập tức rút 890 triệu USD để hỗ trợ ngân sách trong nước.