Hungary và Bulgaria cố gắng duy trì dòng khí đốt của Nga
Hungary và Bulgaria đang phải đối mặt với tình thế khó khăn. Cả hai đang cố gắng tìm cách duy trì dòng khí đốt của Nga mà không vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Gazprombank.
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto tuyên bố nước này đã giải quyết được vấn đề bằng một "giải pháp tài chính hợp pháp". Trong khi đó, Bulgaria vẫn giữ kín thông tin, chỉ nói rằng họ đã thảo luận về một "phương án" có lợi cho tất cả các bên.
Đối với Hungary, khí đốt của Nga là một phao cứu sinh mà họ chưa sẵn sàng cắt đứt, ngay cả khi Châu Âu đang cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào Moscow. Thủ tướng Viktor Orban gần đây đã ngồi lại với Tổng thống Vladimir Putin để thảo luận và đảm bảo Hungary sẽ có đủ khí đốt trong mùa đông này.
Mặt khác, Bulgaria đã ám chỉ rằng họ sẵn sàng "chơi rắn". Nếu Gazprom không giải quyết được các khoản thanh toán, họ có thể đóng cửa đường ống trung chuyển khí đốt đi qua lãnh thổ của mình - một động thái có thể ảnh hưởng rộng khắp Trung Âu.
Cả hai quốc gia kể trên đều có một điểm chung là đang cố gắng bảo vệ an ninh năng lượng của mình mà không gây ra một cơn bão địa chính trị.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bãi bỏ yêu cầu thanh toán khí đốt tự nhiên - phải được thanh toán độc quyền thông qua Gazprombank bị trừng phạt. Người mua Châu Âu hiện có thể thanh toán thông qua các ngân hàng khác, một sự thay đổi đáng kể đã làm dịu thị trường trong thời gian ngắn, với giá chuẩn khí đốt Châu Âu giảm 2,3%.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang sau khi Mỹ trừng phạt Gazprombank vào tháng trước như một phần của các biện pháp rộng hơn đối với Nga, liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Thị trường trở nên lo lắng vì lo ngại về sự gián đoạn tiềm ẩn trong nguồn cung cấp khí đốt của Nga tới châu Âu, đặc biệt là đối với các quốc gia Trung Âu như Hungary, nơi phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhập khẩu này.
Giới phân tích vẫn bất đồng về tác động của việc Nga nới lỏng các yêu cầu thanh toán. Jonathan Stern của Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford lưu ý rằng, mặc dù Putin có vẻ muốn giữ lại hoạt động xuất khẩu tới Châu Âu, nhưng sự linh hoạt này có thể không giúp giảm bớt những bất ổn dài hạn.