Hungary và Serbia đã tìm ra cách nhận dầu Nga mà không bị EU trừng phạt

Hungary và Serbia đã thống nhất xây dựng một đường ống cung cấp dầu Urals của Nga cho Serbia thông qua đường ống Druzhba. Như vậy, họ sẽ có thể nhận dầu từ Nga bằng cách tránh các lệnh trừng phạt.

Hungary và Serbia thống nhất xây dựng đường ống để nhận dầu từ Nga. Hình ảnh kỹ sư công ty dầu khí Hungary kiểm tra điểm tiếp nhận thuộc hệ thống đường ống Druzhba tại cơ sở lọc dầu Szazhalombata. (Nguồn: AP)

Hungary và Serbia thống nhất xây dựng đường ống để nhận dầu từ Nga. Hình ảnh kỹ sư công ty dầu khí Hungary kiểm tra điểm tiếp nhận thuộc hệ thống đường ống Druzhba tại cơ sở lọc dầu Szazhalombata. (Nguồn: AP)

Hiện tại, nguồn cung cho Belgrade thông qua Croatia phải chịu các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).

Ông Zoltan Kovacs - đại diện của chính phủ Hungary nhận xét: “Đường ống dẫn dầu mới sẽ cho phép cung cấp dầu Urals rẻ hơn đến Serbia bằng cách kết nối với đường ống dẫn dầu Druzhba”.

Hungary, quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu khí của Nga, là nước chỉ trích thẳng thắn nhất các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Nga.

Nhánh phía Nam của Druzhba chạy qua Ukraine đến Hungary, Slovakia và Czech và là nguồn cung cấp chính cho các nhà máy lọc dầu ở ba nước này trong nhiều năm.

Trước đó, EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 8 chống Nga, bao gồm việc áp trần giá đối với dầu của Nga và các hạn chế các cá nhân và pháp nhân.

* Cùng ngày, Tập đoàn dầu khí quốc gia Algeria Sonatrach công bố việc đưa vào vận hành hai mỏ khí trong lưu vực Berkine (thuộc tỉnh Ouargla), trong khuôn khổ hợp đồng đầu tiên được ký với tập đoàn Eni của Italy.

Đây là một phần của hợp đồng Nam Berkine, được ký giữa Sonatrach và Eni vào tháng 12/2021.

Hai mỏ mới có công suất sản xuất ban đầu 1 triệu m³ khí đốt/ngày và 4.000 thùng dầu. Theo dự kiến, sản lượng sẽ được nâng lên 2 triệu m³ khí/ngày vào cuối năm nay.

2 mỏ khác ở Bắc Berkine, đã đi vào sản xuất vào tháng 7/2022, đều thuộc liên doanh Sonatrach-Eni và toàn bộ sản lượng của các mỏ này sẽ đóng góp vào sự gia tăng xuất khẩu khí đốt của Algeria sang thị trường châu Âu.

(theo Reuters)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hungary-va-serbia-da-tim-ra-cach-nhan-dau-nga-ma-khong-bi-eu-trung-phat-201493.html