Huổi Só vượt khó vươn lên

Huổi Só là xã xa nhất của huyện Tủa Chùa. Nơi đây còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhận thức của một bộ phận dân cư còn hạn chế. Huổi Só còn là xã thiếu và yếu về hạ tầng giao thông, thương mại...

Thiếu nữ dân tộc Dao, xã Huổi Só trong trang phục dân tộc truyền thống.

Thiếu nữ dân tộc Dao, xã Huổi Só trong trang phục dân tộc truyền thống.

Nhiệm vụ đặt ra đối với cấp ủy Đảng, chính quyền xã Huổi Só phải có chính sách phù hợp để khai thác thế mạnh, tiềm năng của địa phương phục vụ xóa đói, giảm nghèo. Những năm gần đây, các kế hoạch, chương trình, giải pháp cụ thể đã được xã Huổi Só đề ra, như: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc; chuyển đổi cây trồng; đầu tư hạ tầng giao thông, điện lưới. Quan trọng nhất là xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, giúp người dân phát huy nội lực vươn lên.

Phát huy giá trị văn hóa

Huổi Só - vùng đất giáp ranh giữa ba huyện Tủa Chùa (Điện Biên), Quỳnh Nhai (Sơn La) và Sìn Hồ (Lai Châu), chủ yếu dân tộc Dao, Mông sinh sống. Trong đó, có hơn 2.000 người Dao quần chẹt (chiếm gần 80% dân số toàn xã), với những nét văn hóa đặc trưng về trang phục, phong tục tập quán, nếp sống sinh hoạt. Đặc biệt là một số phong tục, tập quán, nghi lễ như: Lễ cúng nương, cúng cơm mới, cúng thóc giống, cúng hồn lúa, nhất là Lễ Tủ Cải (Lễ Cấp Sắc).

Người dân thôn Nậm Bành, xã Huổi Só bảo tồn nghề dệt vải truyền thống của dân tộc.

Người dân thôn Nậm Bành, xã Huổi Só bảo tồn nghề dệt vải truyền thống của dân tộc.

Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với phát triển du lịch, kinh tế - xã hội được cấp ủy, chính quyền xã Huổi Só đặc biệt quan tâm. Nhiều hoạt động bảo tồn thiết thực được tổ chức, duy trì và phát huy hiệu quả tốt như: Truyền dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Dao; bảo tồn trang phục dân tộc; phục dựng và truyền dạy một số nghi lễ đặc trưng của dân tộc.

Đặc biệt, Lễ Tủ Cải, một trong những nghi lễ quan trọng nhất để nam giới dân tộc Dao được công nhận trưởng thành. Đây là nghi thức không thể thiếu của người đàn ông Dao, được tiến hành một lần duy nhất trong đời. Người đàn ông phải trải qua lễ này mới được cộng đồng công nhận đã trưởng thành, được tham gia các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của dòng họ và cộng đồng.

Là người dân tộc Dao, ông Tẩn A Đạt, nguyên Chủ tịch UBND xã Huổi Só (hiện là Chủ tịch UBND xã Mường Đun) cho biết: “Mặc dù đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, sự giao thoa, hòa nhập văn hóa, Lễ Tủ Cải của đồng bào dân tộc Dao quần chẹt ở xã Huổi Só vẫn giữ được bản sắc riêng. Năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ Tủ Cải của người Dao quần chẹt, xã Huổi Só là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Người Dao quần chẹt ở xã Huổi Só còn có nghề trồng bông, dệt vải được truyền đời với những nét riêng; sự độc đáo về kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, ngôn ngữ, chữ viết.

Lễ Tủ Cải của người Dao quần chẹt, xã Huổi Só được cộng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh CTV)

Lễ Tủ Cải của người Dao quần chẹt, xã Huổi Só được cộng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh CTV)

Theo ông Đặng Tiến Công, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa, những năm gần đây, huyện đã triển khai các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của người Dao trên địa bàn Huổi Só như: Tuyên truyền người dân địa phương gìn giữ, bảo tồn các phong tục, tập quán truyền thống; nghiên cứu, sưu tầm văn hóa truyền thống; bảo tồn và phát huy các trò chơi dân gian; xây dựng hương ước, quy ước thôn, bản về bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống...

Khai thác tiềm năng

Địa hình chia cắt, trình độ dân trí không đồng đều, cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu… là những rào cản trong xóa nghèo ở Huổi Só. Thế nhưng, Huổi Só cũng không ít tiềm năng, như: Lòng hồ sông Đà; hang động Pê Răng Ky đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia… Xuất phát từ thực tế của địa phương, Đảng bộ xã Huổi Só nhiệm kỳ 2021 - 2025 đã đề ra nhiều giải pháp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung chuyển đổi những diện tích lúa nương kém hiệu quả sang khai hoang ruộng bậc thang để mở rộng diện tích lúa nước; chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

Hội Chữ thập đỏ huyện Tủa Chùa trao Nhà Chữ thập đỏ cho gia đình chị Phàn Thị Ngân, thôn I, xã Huổi Só.

Hội Chữ thập đỏ huyện Tủa Chùa trao Nhà Chữ thập đỏ cho gia đình chị Phàn Thị Ngân, thôn I, xã Huổi Só.

Đồng thời, phát huy có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, nhất là việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Trong năm 2023, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, xã Huổi Só đã triển khai thực hiện 5 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, mô hình giảm nghèo bền vững; thực hiện hỗ trợ 56 máy sản xuất nông nghiệp, gà giống; hỗ trợ 23 căn nhà ở cho hộ nghèo.

Phát huy lợi thế sông nước, xã Huổi Só chú trọng khai thác kinh tế từ sông Đà. Trước hết phát huy hiệu quả hoạt động chợ Huổi Lóng để người dân trao đổi hàng hóa với các xã, bản của huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) và huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La). Tận dụng mặt nước hỗ thủy điện, xã đã vận động người dân đầu tư nuôi cá lồng. Hiện nay, toàn xã có 96 lồng bè nuôi cá trên lòng hồ sông Đà. Nhiều mô hình cá lồng đã phát huy được hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, thông qua các mô hình đã thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Huổi Só kiểm tra sử dụng vốn vay đối với hội viên trên địa bàn xã.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Huổi Só kiểm tra sử dụng vốn vay đối với hội viên trên địa bàn xã.

Hộ anh Tẩn A Dành, thôn 1, xã Huổi Só trước đây là hộ nghèo. Tuy nhiên, nhờ ý thức vươn lên, anh Dành đã vay gần 100 triệu đồng từ ngân hàng, đầu tư lồng bè nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà. Hiện nay, gia đình anh là một trong những hộ có nhiều lồng bè nuôi cá nhiều nhất xã. Theo anh Dành, nuôi cá lồng trên sông Đà cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất trên nương, mỗi năm thu lợi nhuận khoảng 60 - 70 triệu đồng. Cùng với đó, nhận thấy lợi thế du lịch lòng hồ, gia đình anh Dành đã đầu tư dịch vụ du lịch và lưu trú với tên gọi “Homestay vịnh Pa Phông”, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, lưu trú.

Một trong những thay đổi rõ nhất hiện nay là hệ thống giao thông trên địa bàn xã Huổi Só được đầu tư. Trước đây, giao thông từ trung tâm xã đến các thôn, bản chủ yếu đường đất. Trong 3 năm trở lại đây, từ các nguồn vốn, 7/7 thôn, bản đều đã được đầu tư đường giao thông ô tô đi lại thuận tiện trong năm.

Mô hình nuôi cá lồng ở Huổi Só góp phần xóa đói giảm nghèo nhiều hộ dân.

Mô hình nuôi cá lồng ở Huổi Só góp phần xóa đói giảm nghèo nhiều hộ dân.

Hiện nay, tuyến đường từ huyện vào trung tâm xã Huổi Só đang được đầu tư (gồm 2 tuyến: Dự án đường Đề Chu - Tủa Thàng kết nối với Huổi Só; dự án Tả Phìn - Huổi Só). Sau khi các tuyến đường này hoàn thành tạo điều kiện đi lại, giao thương thuận tiện cho người dân vùng dự án, tạo tiền đề khai thác hiệu quả bến thuyền Huổi Lóng. Đến nay, tiến độ thực hiện cả 2 dự án đạt khoảng 20% khối lượng. Dự kiến 2 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2025.

Ông Giàng A Sang, Chủ tịch UBND xã Huổi Só cho biết: Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự nỗ lực vươn lên của người dân, những năm gần đây đời sống người dân, diện mạo nông thôn xã đã thay đổi nhiều. Nhân dân đã tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; đưa các loại giống mới vào sản xuất đã góp phần tăng thu nhập. Các chỉ tiêu kinh tế năm sau đạt cao hơn năm trước. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của Huổi Só giảm còn 37,3%; 7/7 thôn, bản có điện lưới quốc gia; tổng sản lượng lương thực có hạt 102,09 tấn. Đến nay xã Huổi Só đã đạt 8/19 tiêu chí nông thôn mới.

Bài, ảnh: Quốc Huy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/215657/huoi-so-vuot-kho-vuon-len