Hướng công tác dân vận về cơ sở

Với việc hướng công tác dân vận về cơ sở để 'gần dân, sát dân, hiểu dân', phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân đã giúp tỉnh ta thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT – XH, đảm bảo QP – AN, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Người dân thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) tham gia trò chơi kéo co trong ngày hội đại đoàn kết. Ảnh: TL

Người dân thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) tham gia trò chơi kéo co trong ngày hội đại đoàn kết. Ảnh: TL

Thời gian qua, công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) từng bước đổi mới về cách nghĩ, cách làm. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, sửa đổi lề lối làm việc theo hướng dân chủ, công khai; vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật. Các địa phương công bố số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và tiếp nhận thông tin của người dân; tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân; giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Duy trì các Tổ tự quản an ninh trật tự, hòa giải; phát huy nội lực, vai trò tự quản, động viên nhân dân các dân tộc nêu cao ý thức tự vươn lên, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước; tích cực đẩy mạnh sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương, vươn lên làm giàu chính đáng.

Mèo Vạc là địa phương thường xuyên đổi mới công tác dân vận, giúp nhận thức của cán bộ, đảng viên ngày càng nâng cao; ý thức, trách nhiệm phục vụ và vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chuyển biến rõ nét. Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc Vương Ngọc Hà cho biết: Tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận được huyện củng cố, kiện toàn; bảo đảm tỷ lệ cán bộ người DTTS trong các cấp ủy, tổ chức Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là cán bộ chuyên trách công tác dân vận; luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ dân vận là người DTTS, cán bộ nữ, cán bộ vùng đặc biệt khó khăn…

Tuy nhiên, công tác dân vận của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức do chất lượng, số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ dân vận người DTTS trong hệ thống chính trị chưa đáp ứng yêu cầu. Việc nắm bắt, tổng hợp, dự báo tình hình vùng đồng bào DTTS còn hạn chế; việc bài trừ các hủ tục, tập quán lạc hậu; vấn đề vệ sinh môi trường vùng đồng bào DTTS chuyển biến chậm; đời sống của đồng bào dân tộc khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao...

Khắc phục khó khăn, các địa phương trong tỉnh xác định tuyên truyền là nhiệm vụ hàng đầu; tăng cường vận động đồng bào DTTS không tham gia các tệ nạn xã hội, không di cư tự do, không tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật; tích cực xóa bỏ các hủ tục như: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, ma chay, cưới hỏi ăn uống nhiều ngày. Mặt khác, xây dựng và phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là tuyên truyền đồng bào thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM; giám sát thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển miền núi như 30a, 135...

Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Các địa phương trong tỉnh đã rà soát, bổ sung kế hoạch, giải pháp phát triển KT – XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS; khuyến khích, mời gọi tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân. Động viên đồng bào phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực, sáng tạo trong lao động sản xuất; tích cực học tập để nâng cao dân trí. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân vùng đồng bào DTTS nâng cao ý thức vươn lên, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; cảnh giác, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; giữ vững ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội; đảm bảo QP – AN biên giới; ngăn chặn hiệu quả tình trạng truyền đạo trái pháp luật.

Có thể khẳng định, với việc hướng công tác dân vận về cơ sở, củng cố về tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân vận, dân tộc; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình trong phong trào “dân vận khéo”, đang phát huy vai trò của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh trong xây dựng và bảo vệ quê hương.

Kim Tiến

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202108/huong-cong-tac-dan-van-ve-co-so-781111/