Hương của Tết

Hương của Tết là hương của đất trời, quện với mùi hương của những hoa cỏ đang trở mình tỉnh giấc khi Xuân về. Hương của Tết còn là hương của những thức quả trên mâm, của khói hương nghi ngút, của bánh chưng, hoa mai, hoa đào… nồng nàn mà dịu nhẹ, xốn xang.

Những ngày Đông cuối cùng tàn lụi theo những cơn gió heo hắt, cũng là lúc cái rét vơi đi nhường chỗ cho những hạt mưa li ti ghé xuống. Trời đất trở mình theo những âm thanh sẽ sặt của đợt mưa phùn. Mưa không thành tiếng, chỉ đến khi nhiều hạt hòa chung trên những tán lá, đủ kết dính tạo thành giọt, lúc ấy mới nghe từng tiếng tách chậm rãi, buông rơi xuống đất, nơi còn vương lại vài chiếc lá khô của ngày cũ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chỉ những lúc yên tĩnh nhất, người ta mới nghe được những giọt mưa như thế, cũng giống như ở cùng với không gian tĩnh lặng ngày cuối năm, người ta mới nhận ra cái mùi hương nhè nhẹ rất đặc trưng của Tết. Nói là hương, vì nó có mùi, cái mùi hơi khen khét của đất vừa trải qua những ngày Đông dài đằng đẵng, lạnh lẽo và hanh khô, giờ bắt gặp những hạt mưa se sẽ ấy, quyện vào với nhau, rồi tỏa ra cái mùi ngai ngái, dìu dịu - hương của đất trời.

Cây cỏ cũng vì cái mùi hương ấy mà giật mình tỉnh dậy sau giấc ngủ triền miên của những ngày Đông giá rét. Chúng vươn mình, hứng giọt mưa Xuân đầu tiên để tắm mình cho đến khi ướt đẫm. Mưa Xuân hào phóng rót phần nước còn lại vào đất, đánh thức nốt những hạt mầm còn ủ ê, mộng mị.

Đâu đó có tiếng gà chợt gáy. Mặt trời cuối Đông không đủ sức chiếu sáng xuyên qua làn mưa phùn để gọi bình minh, chỉ có chút ánh sáng dìu dịu đủ cho muôn loài nhìn thấy nhau mà nảy nở, sinh sôi bao nhiêu cây cỏ, lá hoa.

Trên mái rạ ẩm ướt của một ngôi nhà vùng thôn quê, khói bốc lên từng lọn màu trắng, cứ lởn vởn, quẩn quanh, đưa lại mùi thơm của rơm nếp, phảng phất trong không trung, khói dùng dằng không muốn rời xa mái rạ ẩm mà nó đã phải khéo léo lắm mới lách qua được những kẽ hở li ti. Lúc này, nhiều gia đình đang sửa soạn đón năm mới. Nào bánh chưng, nào giò chả, dưa hành, ngũ quả… Tất cả đều sẵn sàng cho cái thời khắc thiêng liêng lúc giao thừa. Trong không khí tĩnh lặng của ngày cuối năm, con người cũng trở nên trầm lắng lạ thường. Trong tiếng thở cũng chất chứa cả âm điệu của sự chiêm nghiệm, của những suy tư. Ấy cũng chính là khi người ta cảm nhận rõ nhất về những mùi hương Tết đang phảng phất đâu đây.

Lẫn trong cái lất phất của mưa phùn, là mùi hương của bưởi. Những trái bưởi căng mọng treo lơ lửng trên cành, chỉ chờ đến Tết là được trẩy vào, trang hoàng trên mâm ngũ quả thôi thúc con người đến gần hơn với Tết.

Ở thành phố lúc này, người ta đang tất bật chuẩn bị đón Tết. Những gánh hàng rong bán những quả quất đã chín đỏ, vàng ửng, đôi nải chuối xanh hay vài quả phật thủ cứ ngang qua các con phố, nửa như vội vã, nửa lại nấn ná, chùng chình đợi chờ khách gọi mua. Thi thoảng, vài đợt gió rất khẽ xô những hạt mưa phùn liêu xiêu, liêu xiêu cả cái dáng người đang quẩy gánh hàng rong trên vỉa hè. Tiếng rao khi ấy cũng xô theo từng đợt gió, nhạt dần, nhạt dần về phía khuất xa của con phố.

Tết ở phố bây giờ không bận rộn như xưa, nhiều nhà chung cư mới mọc lên khiến không có chỗ để nấu bánh. Người ta không gói bánh chưng nữa mà sẽ mua ngoài chợ, hoặc đặt gói theo ý mình. Nhưng ở một vài khu tập thể cũ vẫn bắt gặp những nồi bánh chưng nghi ngút khói ở một góc sân. Vài ba nhà chung nhau cái Tết đang sôi sùng sục trong cái nồi ấy. Mùi bánh chưng, mùi gạo nếp, lá dong trong nồi bánh đang sôi tỏa nghi ngút.

Mấy đứa trẻ đang nhảy nhót ở sân, chúng không giấu nổi những hân hoan, vui mừng khi được nghỉ Tết, được chơi thỏa thích mà không phải đi học, lại còn được sắm cả những bộ cánh thật mới để đi chơi. Hít hà cái khí trời đang chuyển dần sang Xuân, đôi khi chúng ta không đủ vốn từ vựng để diễn tả cái mùi hương ấy, chỉ biết nó mát rượi trong mũi, ấm áp, ngọt ngào trong cổ họng. Cái không khí ấy, màu sắc, mùi hương ấy như thúc giục người ta tất bật sắm Tết. Nhà nào cũng vội vã nhưng cũng rất cẩn thận, tỉ mỉ như cái cách của những cụ già đi ngắm để mua cành đào chơi Tết.

Không chơi cội như hoa mai ở miền nam, hoa đào thường chơi cành. Cành đào đẹp phải là cành đã già, cành có già thì mới giữ hoa tươi được lâu. Cái sần sùi, từng trải của những cành già cũng làm cho những nụ còn chúm chím yên tâm ngủ qua cái rét, đợi cho đến ngày năm mới ấm áp tới sẽ bắt đầu bung nở. Không ồn ào và đa sắc như pháo hoa, hoa đào thầm lặng tỏa sắc trong đêm giao thừa, cứ nhẹ bung dần từng cánh hoa mỏng tang. Dù hoa đào không có hương nhưng khi nhắm mắt, “đóng cửa” các giác quan để lắng nghe trong cái thoang thoảng, dịu dàng của cánh hoa vừa chớm nở ấy, dường như hoa đào cũng tỏa ra mùi hương trong trẻo mà lạ lẫm.

Hương của Tết còn là chút hương dịu nhẹ tỏa ra từ nén nhang cháy dở trên ban thờ, khói phảng phất, uốn lượn. Tết, nếu không có mâm ngũ quả, không có cặp bánh chưng, chai rượu, bình hoa trên ban thờ thì coi như chưa có Tết. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng từ lâu đã trở thành truyền thống của mỗi gia đình Việt. Ở nhà ngày Tết thì nhang đèn nhớ đến tổ tiên, quấn quýt bên gia đình, họ hàng. Đi xa thì nhớ cái không gian ấm áp, nhớ cái mùi hương của Tết, nhớ đến người thân còn ở quê nhà, nhớ đến những mùa Xuân còn chưa xa.

Hương Tết, đậm đặc nhất chính là lúc giao thừa. Bầu trời đêm tỏa ra mùi hương ngai ngái hòa chung với mùi khói hương, mùi hương của hoa hồng, hoa ly của bánh chưng. Bên mâm cỗ đón giao thừa, cái rộn ràng của lòng người, của muôn loài đón Xuân sang.

Cao Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/huong-cua-tet-102535.html