Hướng dẫn áp dụng định mức xây dựng với dự án ký trước 1/10/2019
ng Nguyễn Thế An (Thái Bình) có câu hỏi liên quan đến việc áp dụng định mức xây dựng với dự án ký trước 1/10/2019, gửi tới Bộ Xây dựng nhờ hướng dẫn giải đáp.
Nội dung câu hỏi như sau: Đơn vị của ông Nguyễn Thế An (Thái Bình) làm chủ đầu tư một dự án đã phê duyệt dự án và thiết kế bản vẽ thi công trước ngày 1/10/2019, các khoản mục chi phí và định mức xây dựng theo quy định tại Nghị định số 32/2015/NĐ-CP. Hiện tại đang lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp.
Theo Khoản 1, Điều 36 Nghị định số 68/2019/NĐ-CP: Dự án đầu tư xây dựng đã phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực và đang triển khai thì tiếp tục thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng (bao gồm cả việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh dự toán xây dựng) theo quy định của Nghị định số 32/2015/NĐ-CP. Do đó, dự án trên thuộc điều khoản chuyển tiếp này.
Theo Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 10/2019/TT-BXD: Dự án đầu tư xây dựng đã phê duyệt trước ngày có hiệu lực của Nghị định số 68/2019/NĐ-CP và đang triển khai thực hiện thì tiếp tục sử dụng, vận dụng định mức xây dựng theo quy định tại Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Trường hợp gói thầu xây dựng chưa ký kết hợp đồng sau ngày có hiệu lực của Thông tư này thì người quyết định đầu tư quyết định việc áp dụng định mức xây dựng ban hành tại Thông tư này để điều chỉnh giá gói thầu xây dựng nhưng phải đáp ứng yêu cầu tiến độ và hiệu quả của dự án.
Ông An hỏi, trong trường hợp dự án này được người quyết định đầu tư cho áp dụng định mức xây dựng ban hành tại Thông tư số 10/2019/TT-BXD để xác định giá gói thầu xây dựng thì các khoản mục chi phí (chi phí hạng mục chung, chi phí gián tiếp) thực hiện theo Nghị định số 32/2015/NĐ-CP hay Nghị định số 68/2019/NĐ-CP? Trường hợp áp dụng Nghị định số 32/2015/NĐ-CP mà định mức áp dụng theo Thông tư số 10/2019/TT-BXD không đồng bộ (do Thông tư số 10/2019/TT-BXD căn cứ theo Nghị định số 68/2019/NĐ-CP); trường hợp áp dụng Nghị định số 68/2019/NĐ-CP thì lại trái với quy định chuyển tiếp khoản 1, Điều 36 Nghị định số 68/2019/NĐ-CP. Vậy với dự án trên việc áp dụng chuyển tiếp thế nào cho phù hợp?
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 36, Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, dự án đầu tư xây dựng đã phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực và đang triển khai thì tiếp tục thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo quy định của Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 23/5/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Trường hợp dự án đầu tư xây dựng đã lập, thẩm định, nhưng chưa được phê duyệt, hoặc đã phê duyệt nhưng chưa triển khai thì các hoạt động quản lý chi phí đầu tư xây dựng tiếp theo thực hiện theo quy định của Nghị định số 68/2019/NĐ-CP; việc điều chỉnh lại cơ cấu khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư đã phê duyệt theo quy định tại Nghị định này do người quyết định đầu tư quyết định trên cơ sở đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và hiệu quả trong công tác quản lý.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang báo cáo trình Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 68/2019/NĐ-CP, sẽ có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới.