Hướng dẫn cách phòng tránh tiêu chảy do Rotavirus ở trẻ
Rotavirus là nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy ở trẻ em, bệnh có thể gây mất nước trầm trọng và nguy hiểm đến tính mạng.
Rota là một loại virus gây tiêu chảy và các triệu chứng đường ruột khác, thường gây bệnh ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Người lớn cũng có thể mắc bệnh nhưng các triệu chứng thường nhẹ hơn.
1. Cách nhận biết tiêu chảy do Rotavirus
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), khi nhiễm rotavirus, người bệnh xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy, sốt, nôn mửa, đau bụng. Trong đó, tiêu chảy nặng là triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm bệnh. Đôi khi, đặc điểm phân của bệnh tiêu chảy do rotavirus có thể không đặc hiệu và có thể nhầm lẫn với tình trạng tiêu chảy do các mầm bệnh khác.
Do đó, để chẩn đoán chính xác tiêu chảy do rotavirus, mọi người cần đến bệnh viện để làm xét nghiệm.
Tuy nhiên, theo các báo cáo của Tổ chức quốc gia về các bệnh truyền nhiễm (NFID) cho thấy bệnh tiêu chảy do rotavirus thường đi phân lỏng màu xanh lá cây hoặc nâu, không có máu, có mùi hôi.
Lưu ý thêm, các triệu chứng của bệnh thường bắt đầu khoảng 48 giờ sau khi tiếp xúc với virus rota. Các triệu chứng như nôn mửa và tiêu chảy có thể kéo dài từ 3 đến 8 ngày.
2. Rotavirus ảnh hưởng đến nhu động ruột như thế nào?
Theo nghiên cứu, rotavirus có khả năng gây ra các triệu chứng đường tiêu hóa và ảnh hưởng đến nhu động ruột bằng cách thay đổi cấu trúc và chức năng của tế bào ruột.
Sau khi ăn vào, rotavirus di chuyển đến ruột non và xâm nhập các tế bào ruột trưởng thành. Đây là những tế bào hấp thụ lót ruột và cho phép hấp thụ chất dinh dưỡng. Trong các tế bào ruột trưởng thành, rotavirus nhân lên, ảnh hưởng đến hoạt động của tế bào.
Theo một nghiên cứu năm 2021, virus rota có thể xâm nhập vào ruột non, dẫn đến chết tế bào trong niêm mạc ruột. Điều này có thể gây ra một số triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy ra nước.
3. Tiêu chảy do virus Rota có nguy hiểm không?
Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy rằng tình trạng mất nước nghiêm trọng do virus rota có thể là một biến chứng đe dọa tính mạng đối với trẻ em. Vì vậy, cha mẹ và người chăm sóc nên để ý các triệu chứng mất nước của trẻ như:
- Thờ ơ, mệt mỏi
- Khát nước nghiêm trọng
- Khô miệng và cổ họng
- Khóc ít hoặc không có nước mắt
- Giảm tần suất đi tiểu hoặc tã ướt ít ở trẻ sơ sinh
Nếu xuất hiện các triệu chứng trên, cha mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
4. Điều trị tiêu chảy do virus Rota như thế nào?
Hiện tại, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe không có một liệu trình điều trị tiêu chuẩn đối với rotavirus. Bù nước và điện giải là phương pháp điều trị chính, cụ thể:
- Uống nhiều nước
- Bổ sung điện giải theo lời khuyên của bác sĩ. Lưu ý, cần dùng điện giải theo đúng liều lượng khuyến cáo, nhất là đối với trẻ em để đề phòng tình trạng rối loạn điện giải.
- Tránh thức ăn có đường, chất béo hoặc nước trái cây có đường, vì những thứ này có thể làm cho bệnh tiêu chảy nặng hơn.
- Duy trì chế độ ăn uống cân bằng đầy đủ dưỡng chất để cải thiện sức khỏe cho người bệnh
Ngoài ra, không nên tự ý sử dụng thuốc chống tiêu chảy, nhất là đối với trẻ em dưới 18 tuổi không nên sử dụng loại thuốc này. Thuốc chống tiêu chảy có thể khiến tình trạng bệnh nhân nhiễm Clostridia Des difficile hoặc E. coli O157: H7 xấu đi. Do đó không nên cho bất kỳ bệnh nhân nào chưa xác định được nguyên nhân gây tiêu chảy và có các dấu hiệu như sử dụng kháng sinh gần đây, tiêu chảy phân có máu, phân dương tính với heme hoặc tiêu chảy kèm theo sốt sử dụng.
5. Phòng ngừa tiêu chảy do virus Rota như thế nào?
Virus Rota có thể lây bệnh khi bạn chạm và phân của người bệnh hoặc chạm vào những bề mặt, đồ vật nhiễm virus sau đó cho tay lên miệng. Vì vậy, để phòng ngừa tiêu chảy do Rotavirus, mọi người nên:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng, nhất là sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã bỉm cho trẻ
- Vệ sinh các bề mặt trong nhà, bao gồm đồ chơi, tay nắm cửa, nhà vệ sinh…
- Không vứt bỏ tã lót bừa bãi
- Chủng ngừa vắc-xin đầy đủ
Nhìn chung, người bị tiêu chảy do Rotavirus có thể hồi phục nhanh chóng khi có biện pháp điều trị và chăm sóc phù hợp. Tuy nhiên, không nên để người bệnh rơi vào tình trạng mất nước, nhất là trẻ em. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Khi người bệnh sốt cao, tiêu chảy kéo dài, mất nước trầm trọng... cần được đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
Nguồn: Medicalnewstoday.com