Hướng dẫn Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm trong khi tuần tra, kiểm soát về giao thông đường bộ

Hướng dẫn Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm trong khi tuần tra, kiểm soát về giao thông đường bộ theo Thông tư số 73/2024/TT-BCA ngày 15/11/2024 của Bộ Công an.

Xử lý vi phạm trong khi tuần tra, kiểm soát

Việc xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các quy định sau đây:

1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản

Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản, cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ theo thẩm quyền.

Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm (sau đây gọi chung là người vi phạm) chưa thi hành ngay quyết định xử phạt thì tạm giữ giấy tờ có liên quan theo quy định tại điểm d, điểm g khoản 2 Điều 17 Thông tư này và quy định khác của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có liên quan để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

2. Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản

a) Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định. Biên bản vi phạm hành chính được lập bằng mẫu in sẵn hoặc lập trên cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính;

b) Khi lập xong biên bản vi phạm hành chính, cán bộ lập biên bản đọc lại cho những người có tên trong biên bản cùng nghe; hướng dẫn quyền, thời hạn giải trình về vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức có quyền giải trình theo quy định tại Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020); đề nghị người vi phạm cung cấp số điện thoại liên hệ (nếu có) để nhận thông tin xử phạt thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an (sau đây viết gọn là Cổng dịch vụ công); ký vào biên bản (trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ), trừ trường hợp biên bản được lập theo quy định tại khoản 7 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Trường hợp có người chứng kiến, người phiên dịch, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì những người này cùng phải ký vào biên bản; biên bản vi phạm hành chính gồm nhiều trang, thì phải ký vào từng trang biên bản;

c) Trường hợp người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm thì Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông mời đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc ít nhất 01 người chứng kiến ký vào biên bản xác nhận việc người vi phạm không ký, điểm chỉ vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì cán bộ Cảnh sát giao thông phải ghi rõ lý do vào biên bản. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận vụ việc và phải báo cáo thủ trưởng đơn vị bằng văn bản để làm cơ sở cho người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử phạt;

d) Việc giao biên bản vi phạm hành chính cho người vi phạm thực hiện theo quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (sau đây viết gọn là Nghị định số 118/2021/NĐ-CP).

Áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính (Điều 17)

1. Trường hợp cần ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, thì Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ áp dụng theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ trưởng đơn vị là người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

2. Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề

a) Khi phát hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông trực tiếp thông báo hoặc phân công cán bộ trong Tổ thông báo cho người vi phạm và những người liên quan có mặt tại đó biết, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính; lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải niêm phong thì tiến hành niêm phong theo quy định tại Điều 18 Thông tư này;

b) Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, cán bộ Cảnh sát giao thông lập biên bản phải báo cáo người có thẩm quyền tạm giữ về tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã tạm giữ để xem xét ra quyết định tạm giữ. Đối với tang vật là hàng hóa dễ hư hỏng thì cán bộ Cảnh sát giao thông phải báo cáo ngay thủ trưởng trực tiếp để xử lý, nếu để hư hỏng hoặc thất thoát thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp không ra quyết định tạm giữ thì phải trả lại ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề (đối với trường hợp người vi phạm xuất trình bản giấy giấy phép, chứng chỉ hành nghề);

c) Trường hợp khi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người điều khiển phương tiện giao thông không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm hoặc cố tình trốn tránh, gây cản trở, không chấp hành thì cán bộ Cảnh sát giao thông lập biên bản làm việc, biên bản tạm giữ, có chữ ký xác nhận của đại diện chính quyền cấp xã hoặc ít nhất 01 người chứng kiến; sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (máy ảnh, camera) ghi nhận vụ việc; sử dụng các biện pháp đưa tang vật, phương tiện về nơi tạm giữ (trực tiếp thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân thực hiện); xác minh và gửi thông báo đến chủ phương tiện, yêu cầu người vi phạm đến giải quyết (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này);

d) Trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền thì cán bộ Cảnh sát giao thông tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự (trừ khi các giấy tờ đó có dấu hiệu nghi giả, cần xác minh để làm rõ hành vi vi phạm thì được giữ thêm giấy tờ khác có liên quan): Giấy phép lái xe, Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng hoặc chứng nhận đăng ký xe hoặc bản sao chứng nhận đăng ký xe kèm bản gốc giấy tờ xác nhận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài còn hiệu lực hoặc chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định) hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện theo quy định của pháp luật để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt;

đ) Trường hợp giao phương tiện giao thông bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt cho người vi phạm quản lý, bảo quản thì thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo thủ tục hành chính;

e) Thẩm quyền, thủ tục tạm giữ và trả lại tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định của pháp Luật Xử lý vi phạm hành chính. Quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được giao cho người vi phạm 01 bản; trường hợp không giao được trực tiếp thì gửi qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc bằng phương thức điện tử (khi đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin);

g) Trường hợp các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông đã được tích hợp, cập nhật trong tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý, vận hành thì khi tạm giữ giấy tờ, người có thẩm quyền tạm giữ thực hiện việc tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử, cập nhật thông tin về việc tạm giữ giấy tờ đó vào cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính và đồng bộ với ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu, ứng dụng, hệ thống thông tin điện tử khác do Bộ Công an quản lý để người vi phạm, chủ phương tiện (đối với giấy tờ của chủ phương tiện) biết, chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, phục vụ các lực lượng chức năng có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm;

Các loại biên bản, quyết định của người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, trả lại giấy tờ được thực hiện theo biểu mẫu quy định của pháp luật và có thế được gửi bằng phương thức điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia, ứng dụng, hệ thống thông tin điện tử khác khi đủ điều kiện kỹ thuật thực hiện.

Thông tư số 73/2024/TT-BCA có hiệu lực từ 1/1/2025.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/huong-dan-canh-sat-giao-thong-xu-ly-vi-pham-trong-khi-tuan-tra-kiem-soat-ve-giao-thong-duong-bo-11924120416000793.htm