Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em

Bộ Y tế vừa có Quyết định 5155/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em.

Để giúp giảm tỉ lệ mắc COVID-19 ở trẻ, biện pháp phòng bệnh vẫn đóng vai trò quan trọng nhất.

Để giúp giảm tỉ lệ mắc COVID-19 ở trẻ, biện pháp phòng bệnh vẫn đóng vai trò quan trọng nhất.

Triệu chứng lâm sàng

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thời gian ủ bệnh của bệnh nhi mắc COVID-19 từ 2-14 ngày, trung bình là 4-5 ngày. Bệnh khởi phát với một hay nhiều triệu chứng, như: Sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, mất vị giác/khứu giác, nôn và tiêu chảy, đau cơ, tuy nhiên trẻ thường không có triệu chứng.

Hầu hết trẻ chỉ bị viêm đường hô hấp trên với sốt nhẹ, ho, đau họng, sổ mũi hay viêm phổi và tự hồi phục sau 1-2 tuần. Khoảng 2% trẻ có diễn tiến nặng, thường vào ngày thứ 5-8 của bệnh.

Thời kỳ hồi phục thường trong giai đoạn từ ngày thứ 7-10 ngày, nếu không có các biến chứng nặng trẻ sẽ hết dần các triệu chứng lâm sàng và khỏi bệnh.

Nguyên tắc điều trị

Nguyên tắc điều trị COVID-19 ở trẻ em là:

- Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chuẩn trước và trong thời gian điều trị, chăm sóc.

- Phân loại trẻ bệnh theo mức độ và điều trị theo các mức độ nặng của bệnh.

- Tuân thủ nguyên tắc cấp cứu A-B-C: kiểm soát đường thở, hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn.

- Cá thể hóa các biện pháp điều trị, đặc biệt là các ca bệnh nặng nguy kịch.

- Điều trị nguyên nhân: thuốc kháng vi rút.

- Điều trị cơn bão cytokin: corticoid, lọc máu, ức chế sản xuất hoặc đối kháng IL receptor.

- Điều trị chống đông ở trẻ em cần cân nhắc cẩn thận, nhất là ở trẻ < 12 tuổi.

- Kháng sinh/kháng nấm: khi có bằng chứng lâm sàng và xét nghiệm.

- Điều trị hỗ trợ khác: đảm bảo trẻ được bú mẹ và dinh dưỡng hợp lý theo mức độ nặng của bệnh, bù nước điện giải, vật lý trị liệu, sức khỏe tâm thần.

- Điều trị triệu chứng: hạ sốt giảm ho, giảm đau...

- Điều trị bệnh nền nếu có.

Các nguyên tắc điều trị chính theo mức độ lâm sàng:

Cũng theo Bộ Y tế, khi trẻ xuất viện cần phải thông báo cho y tế cơ sở và Trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương biết để phối hợp theo dõi. Người bệnh sau khi ra viện cần ở tại nhà và tự theo dõi trong 7 ngày; đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38oC ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời.

Để giúp giảm tỉ lệ mắc và tử vong ở trẻ, theo Bộ Y tế, biện pháp phòng bệnh vẫn đóng vai trò quan trọng nhất. Do đó, mỗi người cần tuân thủ "5K", kết hợp với tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tuổi (đã được thực hiện ở một số nước), phát hiện sớm và phân tầng điều trị ca bệnh phù hợp với mức độ nặng của bệnh.

Cũng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hiện chỉ có vaccine Comirnaty (của Pfizer/BioNTech) chứng minh được an toàn và có hiệu quả tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ với đối tượng là trẻ em từ 5 đến 11 tuổi và một số nước đã áp dụng tiêm chủng cho trẻ ≥ 12 tuổi. Các vaccine khác đối với lứa tuổi dưới 12 tuổi vẫn đang được nghiên cứu. Trẻ thuộc đối tượng nguy cơ nặng, như: Béo phì, có bệnh nền và không có chống chỉ định, cần được ưu tiên tiêm chủng.

Vũ Phương Nhi

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-covid19-o-tre-em/452584.vgp