Hướng dẫn đổi giấy phép lái xe các loại năm 2025
Để đổi giấy phép lái xe, cá nhân có thể nộp hồ sơ thông qua hình thức trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến đến Sở Giao thông vận tải.
Thủ tục khi đổi giấy phép lái xe ô tô hết hạn
Tại khoản 1 Điều 38 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT được sửa đổi bởi khoản 29 Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BGTVT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái có quy định cần một số hồ sơ khi đổi giấy phép lái ô tô.
Cụ thể, người cần đổi bằng lái cần cung cấp Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe; giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định; bản sao giấy phép lái xe và hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Lưu ý, hồ sơ đổi giấy phép lái xe trên được áp dụng đối với giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp.
Về cách nộp hồ sơ, cá nhân lập 1 bộ hồ sơ theo quy định, gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến các Sở Giao thông vận tải.
Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp người lái xe phải chụp ảnh trực tiếp tại cơ quan cấp giấy phép lái xe khi đến thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe và phải xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên để đối chiếu.
Trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, cá nhân kê khai theo hướng dẫn và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của nội dung đã kê khai; khi nhận giấy phép lái xe, phải nộp lại giấy phép lái xe cũ để lưu hồ sơ.
Việc trả giấy phép lái xe được thực hiện tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích theo yêu cầu của cá nhân; trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, giấy phép lái xe được trả cho đúng cá nhân đổi giấy phép lái xe.
Ngoài ra, từ ngày 1/12/2023 đến 31/12/2025, lệ cấp đổi bằng lái xe ô tô online là 115.000 đồng/lần. Từ 1/1/2026 trở đi thì lệ phí cấp đổi bằng lái xe ô tô là 135.000 đồng/lần.
Những thay đổi về giấy phép lái xe từ đầu năm 2025
Từ ngày 1/1/2025, nhiều quy định mới liên quan đến giấy phép lái xe (GPLX) sẽ chính thức áp dụng tại Việt Nam. Những thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến cách phân hạng, thời hạn mà còn liên quan đến mẫu giấy phép, độ tuổi được phép lái xe cũng như các thủ tục cấp, đổi GPLX. Đây là các quy định quan trọng nằm trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Thông tư 35/2024/TT-BGTVT, với mục tiêu nâng cao ý thức giao thông, đồng thời đáp ứng nhu cầu quản lý phương tiện trong bối cảnh xã hội phát triển.
Trước đây, Việt Nam có 13 hạng GPLX, gồm các loại từ A1, A2, A3, A4 cho đến FB2, FD, FC và FE theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Tuy nhiên, từ năm 2025, số hạng GPLX sẽ tăng lên 15. Những hạng mới được quy định gồm A, A1, B, B1, C, C1, D, D1, D2, BE, C1E, CE, DE, D1E, D2E. Sự thay đổi này được thực hiện nhằm thích nghi với sự đa dạng và hiện đại hóa phương tiện giao thông tại Việt Nam.
Đáng chú ý, loại phương tiện được phép lái trong từng hạng GPLX cũng thay đổi rõ rệt. Chẳng hạn, hạng A1 sẽ chỉ dành cho người lái xe mô tô từ trên 50 phân khối đến 125 phân khối, trong khi hạng A cấp cho người điều khiển xe mô tô trên 125 phân khối – thay thế quy định trước đây về hạng A2 vốn dành cho xe trên 175 phân khối. Đặc biệt, hạng B1 mới sẽ không còn cấp cho người lái xe ô tô như trước đây mà được sử dụng để điều khiển xe mô tô ba bánh. Đồng thời, hạng B sẽ gộp chung chức năng của hạng B1 và B2 cũ.
Thời gian hiệu lực của giấy phép lái xe (GPLX) cũng sẽ được điều chỉnh theo các quy định mới. Theo khoản 5, Điều 57 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15, các GPLX hạng A1, A và B1 sẽ không còn giới hạn thời gian hiệu lực. Trong khi đó, GPLX hạng B và C1 có thời hạn 10 năm, còn các hạng cao hơn như C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE sẽ có thời gian hiệu lực là 5 năm kể từ ngày cấp.
Một thay đổi quan trọng khác là độ tuổi cấp GPLX. Theo quy định mới, người từ 16 tuổi có thể được phép lái xe gắn máy, trong khi người từ 18 tuổi trở lên sẽ được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, và cần hoàn thành khóa học bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ nếu muốn điều khiển xe máy chuyên dụng. Các hạng GPLX yêu cầu độ tuổi cao hơn bao gồm: hạng C và BE dành cho người từ 21 tuổi; hạng D1, D2, C1E, CE yêu cầu người lái xe phải từ 24 tuổi trở lên; và hạng D, D1E, D2E, DE dành cho người từ 27 tuổi. Đặc biệt, quy định mới cũng quy định độ tuổi tối đa đối với người lái xe ô tô chở khách từ 29 chỗ trở lên hoặc xe giường nằm: nam không quá 57 tuổi và nữ không quá 55 tuổi.
Từ năm 2025, Giấy phép lái xe hạng A1 được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng A với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến dưới 175 cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến dưới 14 kW.
Giấy phép lái xe hạng A2 được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng A.
Giấy phép lái xe hạng A3 được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B1.
Giấy phép lái xe hạng A4 được đổi, cấp lại sang chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng.
Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.
Giấy phép lái xe hạng B1, B2 được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B hoặc hạng C1 và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải đến 3.500 kg.
Giấy phép lái xe hạng C giữ nguyên và đổi, cấp lại cùng hạng và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải trên 3.500 kg.
Giấy phép lái xe hạng D được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng D2 và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải trên 3.500 kg.
Giấy phép lái xe hạng E được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng D và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải trên 3.500 kg.
Giấy phép lái xe hạng FB2 được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng BE hoặc hạng C1E và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải đến 3.500 kg.
Giấy phép lái xe hạng FC được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng CE và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải trên 3.500 kg.
Giấy phép lái xe hạng FD được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng D2E và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải trên 3.500 kg.
Giấy phép lái xe hạng FE được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng DE và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải trên 3.500 kg.