Hướng dẫn hội viên sản xuất theo chuỗi liên kết

Việc đẩy mạnh phong trào sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững, sản xuất theo chuỗi liên kết thời gian qua đã giúp cho nhiều hội viên nông dân của thành phố thoát nghèo, nâng cao thu nhập. Số lượng hộ nông dân đạt danh hiệu SXKDG các cấp tăng từ 2.697 hộ của năm 2016 lên 4.053 hộ vào năm 2020, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa thành phố Tuyên Quang trở thành đô thị loại II.

Ông Vũ Văn Thiệu, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố chia sẻ, thực hiện phong trào SXKD giỏi giai do?n 2016 - 2020, số lượng hộ nông dân đạt danh hiệu hộ SXKDG hằng năm đều tăng. Hiện toàn thành phố có 4.053 hộ đạt danh hiệu hộ SXKDG, tăng 1.336 hộ so với năm 2016. Tuy nhiên, số hộ đạt hộ SXKDG cấp Trung ương, cấp tỉnh còn thấp. Mới chỉ có 16 hộ đạt hộ SXKDG cấp Trung ương, 127 hộ đạt cấp tỉnh nhưng có đến 3.667 hộ đạt SXKDG cấp cơ sở.

Theo khảo sát các hộ đạt SXKDG cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp thành phố của Hội Nông dân thành phố năm 2020, trên địa bàn có 188 hộ nông dân SXKDG thực hiện liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nhưng mới chỉ có khoảng 19 hộ, hợp tác xã có hoạt động ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết theo chuỗi, hoặc liên kết một số công đoạn với doanh nghiệp có tính ổn định, lâu bền. Bởi các hộ, HTX này đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất để tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm; chú trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng được nhãn hiệu, khẳng định được thương hiệu cho sản phẩm... Có thể kể tới như: mô hình trồng, chế biến, sản xuất, tiêu thụ chè theo tiêu chuẩn VietGAP rộng 25 ha của HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh do anh Nguyễn Công Sử, chi hội 17, phường Mỹ Lâm làm giám đốc. HTX đã thực hiện xây dựng và đăng ký nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc với Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, toàn bộ sản phẩm của đơn vị đã được sử dụng tem điện tử mã cốt QR để truy xuất nguồn gốc. Năm 2020, Hợp tác xã có 7 sản phẩm được tham gia chương trình OCOP. HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với một số nhà phân phối và siêu thị tại thị trường Hà Nội. Ngoài ra vùng trồng rau an toàn với 20 ha tại phường Hưng Thành cũng đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn, được Siêu thị Tuyên Quang thu mua và cung cấp cho một số bếp ăn tập thể của các trường học trên địa bàn thành phố. Vùng chuyên canh cây bưởi theo hướng VietGap với diện tích trên 30 ha của Hợp tác xã cây ăn quả Quang Vinh, xã Thái Long, do ông Nguyễn Quang Vinh, chi hội Hòa Mục 2 làm giám đốc đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm bưởi, trong đó đã ký 2 hợp đồng tiêu thụ bưởi với các đại lý trong và ngoài tỉnh...

Sản phẩm mì gạo của Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thuật Yến, xã Kim Phú đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

Sản phẩm mì gạo của Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thuật Yến, xã Kim Phú đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

Đây chỉ là số ít các HTX đã thực hiện liên kết hoạt động theo chuỗi. Còn lại hầu hết số lượng các hộ SXKDG cấp cơ sở mới chỉ dừng lại ở các mô hình sản xuất tổng hợp, phương thức sản xuất cá thể, tự phát, chưa tập trung chuyên sâu vào một sản phẩm, dịch vụ cụ thể nào, chưa quan tâm đến quy mô, chất lượng sản phẩm. Do vậy, các sản phẩm sản xuất ra số lượng chưa lớn, quy mô nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu, nhãn hiệu, giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm nên hầu hết chỉ dừng lại ở việc tự sản xuất, tự tiêu thụ chứ chưa đưa vào được các siêu thị, trung tâm thương mại nên thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.
Một khó khăn nữa, đó là diện tích đất sản xuất bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa của thành phố. Việc quy hoạch để phát triển các công trình, dự án những năm qua được mở rộng đến các vùng, khu vực sản xuất của nông dân. Do vậy, người dân trong khu vực quy hoạch hoặc khu vực lân cận chỉ sản xuất cầm chừng, không dám đầu tư phát triển thêm... khiến cho việc hình thành được những khu vực sản xuất hàng hóa có quy mô lớn gặp khó khăn.

Để nâng cao chất lượng của phong trào, ông Vũ Văn Thiệu, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho biết, thời gian tới, Hội Nông dân thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để các cơ sở Hội thành lập thêm các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, các hợp tác xã, giúp nông dân liên kết mở rộng phát triển sản xuất, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo cho hộ nông dân SXKDG sử dụng công nghệ mới, chế phẩm vi sinh, vật tư nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất, đa dạng hóa việc huy động nguồn kinh phí, tạo điệu kiện thuận lợi giúp các hộ nông dân được vay vốn phát triển sản xuất.

Với những giải pháp này, hy vọng trong giai đoạn tới, số hộ nông dân SXKDG cấp trung ương, cấp tỉnh, thành phố sẽ tăng hơn, có nhiều sản phẩm đặc trưng, chủ lực ứng dụng công nghệ cao, quy mô, chất lượng tốt được giới thiệu và tiêu thụ trên thị trường theo chuỗi liên kết.

Bài, ảnh: Thu Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/huong-dan-hoi-vien-san-xuat-theo-chuoi-lien-ket-146742.html