Hướng dẫn hơn 41.500 tàu ra khỏi khu vực nguy hiểm của bão số 8
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, bão số 8 di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Ðến 22 giờ hôm nay (27-12), vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 390 km về phía bắc đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 13.

Trực ban của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT báo cáo tình hình của bão số 8 tại buổi họp ngày 26-12. Ảnh: VŨ SINH
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, bão số 8 di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Ðến 22 giờ hôm nay (27-12), vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 390 km về phía bắc đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 13.
Do ảnh hưởng của bão số 8, ở vùng biển khu vực giữa Biển Ðông có gió bão mạnh cấp 8 - 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 15; sóng biển cao 7 đến 9 m; biển động dữ dội. Vùng nguy hiểm trên Biển Ðông trong 24 giờ tới (bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) do ảnh hưởng của bão: Từ vĩ tuyến 12,0 độ vĩ bắc đến vĩ tuyến 16,5 độ vĩ bắc; phía Ðông kinh tuyến 113,5 độ kinh đông. 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10 đến 15 km. Ðến 22 giờ ngày 28-12, vị trí tâm bão ở khoảng 15,0 độ vĩ bắc; 112,3 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220 km về phía nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh, cho nên từ nay đến ngày 28-12 ở vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động; khu vực bắc Biển Ðông có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9, biển động mạnh.
* Ngày 26-12, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai - Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 22/CÐ-TW chỉ đạo khẩn cấp ứng phó bão số 8, tập trung vào một số nội dung: Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) các tỉnh, thành phố thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào khu vực, vùng nguy hiểm, kiểm đếm quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Bộ Ngoại giao có công hàm gửi các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực tạo điều kiện cho tàu thuyền của ngư dân vào tránh trú bão để bảo đảm an toàn. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao triển khai ứng phó với bão, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT.
* Ngày 26-12 tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đã tổ chức họp ứng phó với bão số 8. Theo đó, đề nghị Bộ Tư lệnh Biên phòng tiếp tục phối hợp Tổng cục Thủy sản thông báo, hướng dẫn cho chủ tàu, thuyền trưởng các tàu đang nằm ở khu vực giữa Biển Ðông biết hướng đi, diễn biến của bão để chủ động vòng tránh, di chuyển vào vị trí an toàn, bên cạnh đó kiểm soát chặt chẽ việc tàu ra khơi tại các tỉnh, thành phố ven biển. Sau khi bão tan thì gió mùa đông bắc lại tăng cường, do vậy tránh tư tưởng chủ quan đối với ngư dân vùng biển.
* Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 26-12 đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 41.592 tàu biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động vòng tránh, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm (hoạt động ở khu vực giữa Biển Ðông gồm cả quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là 717 tàu, hoạt động ven biển, các vùng biển khác là 6.475 tàu, neo đậu tại bến 34.000 tàu).
* Nhiều hồ chứa ở tỉnh Ninh Thuận hiện đang rơi vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020, nước uống cho gia súc và kể cả nước cho sinh hoạt của người dân. Tính đến ngày 26-12, lượng nước tích được tại 21 hồ chứa ở đây chỉ đạt 88,22/194,49 triệu m3, đạt khoảng 45% dung tích thiết kế; trong đó, chỉ có hồ Sông Sắt lượng nước còn 52,43/69,33 triệu m3. Hơn 10 hồ chứa lượng nước chỉ còn dưới một triệu m3 và có hồ đang cạn kiệt.
* Theo dự báo, từ tháng 1 đến tháng 6-2020, lượng mưa ở đồng bằng sông Cửu Long phổ biến ở mức thấp, riêng trong tháng 2 sẽ không có mưa. Ðộ mặn bắt đầu tăng cao từ tháng 1, đến tháng 3, tháng 4, độ mặn duy trì ở mức cao trong thời gian nhiều ngày, khả năng độ mặn cao nhất trong năm xuất hiện vào những ngày cuối tháng 4.
* Theo Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ, mùa khô năm nay dự kiến đến sớm. Ngành nông nghiệp thành phố đã chủ động thi công nạo vét, nâng cấp mới 12 công trình đê bao khép kín với tổng chiều dài hơn 31km. Thực hiện sửa chữa, nâng cấp, nạo vét hệ thống thủy lợi Ô Môn Xà No do Trung ương đầu tư với tổng mức đầu tư 2,8 tỷ đồng và gia cố đê bao vùng cây ăn trái ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền hơn 568 ha.
* Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, từ ngày 10-12 đến nay, độ mặn ven bờ biển trên địa bàn tỉnh đã tăng cao, ở mức 22-29%o. Ðợt triều cường giữa tháng 11 âm lịch đã gây xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng ở một số khu vực, gây ảnh hưởng một số diện tích lúa đang canh tác.
* Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vụ đông xuân năm nay sẽ có khoảng 200.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng hạn, mặn, trong đó có khoảng 90.000ha bị nhiễm mặn nặng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo sẽ không gieo cấy khoảng 70.000 ha cây trồng do không bảo đảm nước tưới mà chuyển đổi sang cây trồng khác.