Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về phòng, kiểm soát lây nhiễm COVID-19
Hiện nay, một số biến thể như NB. 1.8.1, LP.8.1 của COVID-19 đang lưu hành ở một số nước, có khả năng lây lan nhanh nhưng chưa gây bệnh nặng hơn hoặc ảnh hưởng đến hiệu quả vắc xin. Bộ Y tế cho biết, WHO xếp các biến thể này vào nhóm 'biến thể cần theo dõi'.
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế vừa ký ban hành Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo hướng dẫn, SARS-CoV-2 là virus gây bệnh COVID-19, đã bùng phát và gây ra đại dịch toàn cầu từ cuối năm 2019. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu đối với COVID-19 từ tháng 5 năm 2023. Tuy nhiên, WHO tiếp tục khuyến cáo các quốc gia duy trì các biện pháp phòng ngừa cơ bản và giám sát dịch tễ liên tục để kịp thời phát hiện các biến thể mới.
Hiện nay, một số biến thể như NB. 1.8.1, LP.8.1 đang lưu hành ở một số nước, có khả năng lây lan nhanh nhưng chưa gây bệnh nặng hơn hoặc ảnh hưởng đến hiệu quả vắc xin. WHO xếp các biến thể này vào nhóm "biến thể cần theo dõi".
Tại Việt Nam, COVID-19 được phân loại là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Dịch bệnh đã được kiểm soát, phần lớn ca bệnh nhẹ, không gây bùng phát quy mô lớn.

Khuyến cáo các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.
Mục tiêu công tác phòng, chống COVID-19 hiện nay là: Phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế lây nhiễm, bảo đảm an toàn trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thường quy.
Hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ đường lây truyền SARS-CoV-2 lây truyền chủ yếu qua:
Đường giọt bắn: Từ dịch tiết đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, thở mạnh, lây lan trong khoảng cách gần (dưới 2 mét).
Đường tiếp xúc: Qua tay chạm bề mặt nhiễm dịch tiết chứa vi rút, sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng.
Đường không khí: Qua hạt khí dung nhỏ lơ lửng trong không khí, đặc biệt trong môi trường kín, thông khí kém hoặc khi thực hiện thủ thuật tạo khí dung.
Về các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm, hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ việc phát hiện sớm và cách ly kịp thời.
Sàng lọc triệu chứng hô hấp và yếu tố dịch tễ tại phòng khám truyền nhiễm hoặc khu tiếp đón của khoa Cấp cứu.
Trường hợp nhẹ, không biến chứng, không có bệnh nền: hướng dẫn điều trị và cách ly tại nhà hoặc trạm y tế.
Nếu phát hiện người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 tại khoa lâm sàng: chuyển người bệnh vào buồng cách ly tạm thời của khoa để điều trị, tránh lây nhiễm cho người khác.
Chỉ định xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR đối với người bệnh có suy hô hấp cấp tiến triển chưa rõ nguyên nhân hoặc người có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 kèm theo bệnh lý nền thuộc nhóm nguy cơ cao diễn biến nặng.
Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng lưu ý, người bệnh có bệnh nền nặng, suy giảm miễn dịch, đang điều trị ung thư, lọc máu...: Điều trị tại khu riêng biệt (nếu có); hạn chế tiếp xúc, di chuyển; tuân thủ nghiêm ngặt về vệ sinh tay, hô hấp, sử dụng khẩu trang và vệ sinh cá nhân.
"Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" này có hiệu lực thay thế "Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" ban hành kèm theo Quyết định 2609/QĐ-BYT ngày 20/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế.