Hướng dẫn mới về vị trí việc làm trong các cơ sở y tế công lập
Tùy theo khối lượng công việc và khả năng tài chính, các đơn vị sự nghiệp y tế có thể bố trí số lượng người làm việc cao hơn để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, bảo đảm hiệu quả...
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 03/2023/TT-BYT hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
Theo Bộ Y tế, vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp được xác định theo các nguyên tắc quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Nghị định số 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Số lượng người làm việc tối thiểu trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác định theo giường bệnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh theo công suất sử dụng giường bệnh trung bình của 3 năm gần nhất.
Trong cơ sở thuộc lĩnh vực y tế dự phòng và cơ sở giám định được xác định theo quy mô dân số, điều chỉnh theo tính chất, đặc điểm chuyên môn, khối lượng công việc của mỗi cơ sở và đặc điểm địa lý, kinh tế, xã hội của mỗi địa phương. Trong cơ sở kiểm nghiệm, kiểm định được xác định và điều chỉnh theo số lượng mẫu kiểm nghiệm trung bình năm; trong Trung tâm cấp cứu 115 được xác định theo định mức xe cứu thương của trung tâm.
Tại Thông tư này, yêu cầu tỉ lệ nhân lực/giường bệnh sẽ từ 0,5-2 người/giường bệnh tùy theo các hạng bệnh viện và các chuyên khoa khác nhau. Trong đó, các khoa hồi sức tích cực ở cơ sở khám chữa bệnh từ hạng I trở lên bố trí 2 nhân lực/giường, hạng II là 1,5 nhân lực/giường, còn lại tùy theo hạng bệnh viện.
Thông tư cũng quy định tỉ lệ nhân lực y tế theo các chức danh chuyên môn. Cụ thể, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định như sau: Bác sĩ 20 - 22%; điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y 50 - 52%; dược, trang thiết bị y tế 5 - 7%; nhóm chức danh nghề nghiệp chuyên môn liên quan khác (công tác xã hội, kỹ sư, tâm lý và chuyên môn khác) 1 - 3%; nhóm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung 10 - 15%; nhóm hỗ trợ, phục vụ (gồm cả hợp đồng lao động) 5 - 10%.
Tại các đơn vị y tế dự phòng các tỉnh, thành phố, tỉ lệ nhân lực là 20-25% bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, còn lại là các nhóm ngành nghề phù hợp khác.
Thông tư áp dụng cho các đối tượng gồm: Cơ sở khám, chữa bệnh; trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố; trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố; trung tâm cấp cứu 115; cơ sở kiểm nghiệm, kiểm định dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm; cơ sở pháp y, pháp y tâm thần, giám định y khoa.
Bộ Y tế nêu rõ, định mức số lượng người làm việc quy định tại Thông tư này là số lượng người làm việc tối thiểu của đơn vị sự nghiệp y tế công lập cần bố trí, nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế và quyền lợi của viên chức, người lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật.
Tùy theo khối lượng công việc và khả năng tài chính, các đơn vị sự nghiệp y tế có thể bố trí số lượng người làm việc cao hơn để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, bảo đảm hiệu quả. Định mức số lượng người làm việc trên cũng là căn cứ để các cơ sở y tế xây dựng kế hoạch số lượng người làm việc hằng năm.
Các đơn vị sự nghiệp y tế công lập sử dụng viên chức với chức danh nghề nghiệp không có trong danh mục vị trí việc làm theo loại hình tổ chức quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này phải có phương án sắp xếp, phân công và chuyển đổi chức danh nghề nghiệp cho viên chức phù hợp với công việc mới, hoàn thành trước 31/12/2025.
Bên cạnh đó, các đơn vị sự nghiệp y tế công lập có số lượng người làm việc chưa đáp ứng đủ định mức tối thiểu quy định tại Thông tư này cũng phải có phương án tuyển dụng, bố trí, sắp xếp viên chức để bảo đảm định mức này, hoàn thành trước 31/12/2025.