Hướng dẫn phòng ngừa lả nhiệt, sốc nhiệt tại nhà
Thời gian gần đây, Bộ Y tế đã đưa ra thông báo kêu gọi người dân thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khi đang có dấu hiệu gia tăng. Nhiều trường học, công ty đã chuyển hình thức hoạt động sang học tập và làm việc tại nhà để đảm bảo an toàn cho cộng đồng một cách tốt nhất.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa với khối không khí nóng tràn về nâng nhiệt độ trung bình ngày lên 4 - 5 độ C so với thời gian trước. Đây là thời điểm ghi nhận nhiều trường hợp có triệu chứng kiệt sức vì nhiệt, hay còn gọi là lả nhiệt, hay sốc nhiệt.
Làm thế nào để duy trì sức khỏe tốt, tránh các triệu chứng này? Cùng tham khảo một số lời khuyên để bảo vệ sức khỏe đầu mùa hè theo tư vấn của Family Medical Practice (FMP).
Lời khuyên về sử dụng điều hòa nhiệt độ
Nhiều gia đình có thói quen sử dụng điều hòa liên tục khi thời tiết vào hè, việc này dẫn tới sự chênh lệch nhiệt độ bên trong và ngoài khu vực sử dụng điều hòa có thể lên tới cả chục độ C.
Để tránh cơ thể chịu ảnh hưởng của sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi di chuyển giữa các khu vực sử dụng điều hòa trong nhà, các bạn không nên để nhiệt độ điều hòa quá thấp, nhiệt độ sử dụng trên 20 độ C được các bác sĩ khuyên dùng.
Lời khuyên về hoạt động thể chất tại nhà
Do loại hình dịch vụ Gym đang đóng cửa trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhiều người đã thay đổi dần thói quen sang tập luyện và vận động thể thao ngay tại nhà.
Đây là hoạt động bổ ích để rèn luyện sức khỏe, tuy nhiên, các hoạt động này sẽ khiến cơ thể sản sinh ra nhiều mồ hôi để tự làm mát. Trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, không gian trong nhà có thể không rộng rãi như ngoài phòng tập dẫn đến khả năng tự làm mát cơ thể trở nên kém hiệu quả hơn. Do đó, bạn nên tránh các bài tập nặng, bổ sung nước thường xuyên và không tắm ngay khi cơ thể còn đang đổ nhiều mồ hôi.
Làm gì khi có dấu hiệu bị kiệt sức vì nhiệt?
Các triệu chứng có thể bao gồm yếu mệt, nhức đầu, chóng mặt, chuột rút cơ, buồn nôn hoặc nôn mửa và tim đập nhanh. Nếu không xử lý kịp thời, hiện tượng kiệt sức vì nhiệt có thể dẫn đến các tình trạng nguy hiểm cho tính mạng.
Trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể tự khắc phục chứng kiệt sức do nhiệt bằng cách làm như sau:
● Nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát: Nếu đang ở trong nhà, hãy sử dụng phòng có điều hòa hoặc tìm một khu vực mát mẻ để nghỉ ngơi. Hãy nằm ngửa và nâng chân lên cao hơn mức tim.
● Uống nước mát: Có thể sử dụng nước lọc hoặc đồ uống thể thao (có chứa Gatorade). Những loại đồ uống thể thao này có thể thay thế natri, clorua và kali mà bạn bị mất do đổ mồ hôi. Không uống bất kỳ đồ uống nào chứa cồn hoặc caffein do có thể làm cơ thể mất nước. Khả năng đổ mồ hôi và hạ nhiệt của cơ thể phụ thuộc vào việc bù nước đầy đủ. Hãy uống nhiều nước trong khi tập thể dục - ngay cả khi bạn không cảm thấy khát.
● Thoa nước mát lên da: Nếu có thể, hãy tắm nước hoặc ngâm mình trong bồn nước mát.
● Nới lỏng quần áo: Cởi bỏ quần áo bó sát không cần thiết.
● Liên hệ với bác sĩ nếu các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bạn xấu đi hoặc tình trạng không cải thiện trong vòng 30 phút.
Family Medical Practice Hanoi
Family Medical Practice Hà Nội có gần 30 năm kinh nghiệm cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cùng đội ngũ nhân viên Quốc tế trình độ cao và cơ sở y tế cao cấp. Kể từ khi thành lập tại Việt Nam năm 1994, trải qua gần ba thập kỷ, FMP Hà Nội luôn nỗ lực đóng góp tích cực cho xã hội với phương châm “Your Health. Our Care” thông qua các hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó điển hình là các hoạt động chia sẻ thông tin hữu ích cho cộng đồng.
Liên hệ đặt lịch khám Đa khoa, Nhi khoa, tư vấn 24/7: 024 3843 0748- 112/113/117
Email: hanoi@vietnammedicalpractice.com
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/huong-dan-phong-ngua-la-nhiet-soc-nhiet-tai-nha-n192392.html